Liên quan đến sự cố khi đào ngầm Metro làm cho bùn đất phun trào lên mặt đất tại khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội), ông Vũ Khắc Thắng - Chủ tịch UBND phường Kim Mã cho biết, vào sáng 25/2, tổ công tác của nhà thầu và chính quyền địa phương đã tiến hành đến khảo sát từng hộ gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng, xác định nguyên nhân, thống kê thiệt hại để lên phương án khắc phục hư hỏng và bồi thường cho người dân.
Chủ đầu tư đang tiến hành khảo sát hư hỏng tại một hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố. (Ảnh: Phùng Anh)
"Nhà thầu đang tiến hành khắc phục, nạo vét đường ống cống bị tắc do bùn đất, xử lý hư hỏng cho từng hộ dân. Bên cạnh đó, phía nhà thầu đã lên kế hoạch thành lập tổ công tác, tiến hành khảo sát các công trình nằm trong danh sách máy đào hầm đi qua. Nếu có công trình nào bị lún, nứt hoặc bị nghiêng sẽ được xác định nguyên nhân, xem có đúng là do sự cố vừa rồi gây ra hay không. Cán bộ phường Kim Mã sẽ tham gia phối hợp cùng với nhà thầu để tiến hành khảo sát", ông Thắng nói.
Về thông tin mỗi hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ 1 triệu đồng, ông Thắng cho hay: "Số tiền 1 triệu đồng là tiền hỗ trợ khó khăn trong lúc sự cố xảy ra. Số tiền này được hỗ trợ đồng đều cho từng hộ dân trong khu vực, chứ không liên quan gì đến việc bồi thường. Việc bồi thường phải căn cứ vào các thiệt hại được thống kê. Những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng đều đã có hợp đồng với chủ đầu tư, vậy nên những hư hỏng do sự cố sẽ được chủ đầu tư đền bù thiệt hại".
Cũng theo ông Thắng, trong thời gian xảy ra sự cố, ngoài số tiền 1 triệu đồng, người dân còn được hỗ trợ 2 đổi ủng, một số nhu yếu phẩm và nước sạch để phục vụ sinh hoạt.
Đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, vào sáng 22/2 nhà thầu có hỗ trợ tạm kinh phí cho các hộ dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng số tiền 1 triệu đồng. Hiện tại, nhà thầu đang làm việc với từng gia đình để thống kê thiệt hại, sau đó mới có phương án bồi thường cụ thể.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chia sẻ:" Trong trường hợp nếu có hư hại đối với các công trình do sự cố gây ra thì nhà thầu sẽ phải có trách nhiệm đền bù các thiệt hại đó cho người dân".
Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo VTV, công tác dọn dẹp vệ sinh tại ngõ 7 Giang Văn Minh vẫn đang được tiếp tục.
Trước đó, sự cố phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất xảy ra vào khoảng 15 giờ chiều ngày 20/2. Sau khi nhận được thông tin, MRB đã huy động hơn 100 công nhân và máy móc để khắc phục sự cố. Hiện tượng bùn đất phun trào lên mặt đất chấm dứt vào khoảng 15h ngày 22/2. Đến tối 22/2, Máy đào hầm TBM đã đi qua khu vực dân cư an toàn và tiếp tục thi công công trình.
Bộ đôi máy TBM (Tunnel Boring Machine) được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, hiện đang hoạt động song song.
Máy TBM1 mang tên "Thần tốc" đã đào được hơn 1.200m hầm ngầm, máy TBM2 có tên "Táo bạo" mới bắt đầu khoan hầm cách đây vài tuần.
Đại diện MRB cho biết, nguyên nhân sự cố phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất là do trong quá trình khoan hầm bằng robot TBM, đơn vị thi công áp dụng công nghệ cân bằng áp lực đất (EPB). Máy tạo áp lực lên nền đất trước mũi khoan nhằm duy trì sự cân bằng áp lực và ngăn chặn tình trạng sụt lún phía trên. Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị bằng Robot TBM.
"Khu vực máy khoan đi qua có thể tồn tại những giếng khoan cũ mà người dân từng sử dụng nhưng đã bị bỏ hoang, không được lấp lại, tạo thành các khoảng trống dưới lòng đất. Ngoài ra, các vết nứt trong đất cũng có thể là nguyên nhân khiến vữa khoan tràn lên bề mặt đường"; đại diện MRB cho hay.
Trưởng kỹ sư hầm của Tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp), ông Sergei Papin cho biết: "Hiện tượng bùn trào thường không ảnh hưởng đến kết cấu nhà cửa mà chủ yếu gây mất vệ sinh và tác động tạm thời đến môi trường xung quanh. Vật liệu sử dụng trong quá trình khoan hầm là một loại đất sét kết hợp phụ gia giúp tăng độ trương nở. Đây là vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tự phân hủy và đã được kiểm định an toàn."
Đối với dự án này nhà thầu đã xây dựng các kế hoạch dự phòng cho những tình huống bất khả kháng hoặc bất thường. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu vẫn đang tuân thủ và thực hiện các phương án dự phòng cho tình huống vừa qua.
Hiện tại, quá trình khoan hầm dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang tiếp tục diễn ra bình thường. Các thông số đo đạc về độ lún, độ nghiêng của công trình trên tuyến hầm đều nằm trong ngưỡng cho phép. Theo kế hoạch, máy khoan hầm sẽ đến ga Cát Linh vào đầu tháng 3 và toàn bộ hai ống hầm sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo đúng tiến độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!