Mới đây, một bé gái 7 tuổi bị hàng trăm vết thương trên cơ thể do 4 con chó lao vào tấn công. Từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận 71 người tử vong do bệnh dại, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Những sự việc này một lần nữa thổi bùng lên các ý kiến tranh luận về việc nên hay không nên cho phép nuôi chó dữ. Điều đáng nói là sau mỗi lần chó dữ gây họa cắn người, thậm chí là giết người, những cuộc tranh luận lại bùng lên rồi sau đó bị chìm xuống, bị lãng quên cho đến khi sự việc mới xuất hiện. Chỉ có những nạn nhân vẫn còn đó, đối mặt với các hậu quả nặng nề như chấn thương nặng, các vết thương để lại di chứng nghiêm trọng, sự hoảng loạn không thể xóa nhòa trong suốt phần đời còn lại. Có những người đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau và sự phẫn nộ cho người ở lại.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, thế giới ghi nhận trường hợp một chú chó tại San Fansico (Mỹ) phải ra tòa để trả lời cho cái chết của 14 con mèo hàng xóm. Vụ việc gây tranh cãi trong bồi thẩm đoàn. Có thể thấy, việc xét xử, giam cầm hay thậm chí tiêu hủy một con chó khi nó gây họa cho người là hiếm có. Nhưng chủ nuôi của chúng phải chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn, chăm sóc và quản lý vật nuôi của mình. Nếu không phải là họ thì ai chịu trách nhiệm cho những thương vong mà nạn nhân phải gánh chịu. Trong một xã hội pháp quyền, văn minh, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi mà mình gây ra.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định nào về phân loại chó nuôi. Nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam cần sớm có quy định các loại chó được phép nuôi và các loại cho không được phép nuôi. Ngoài một số giống chó rất nhỏ, có đặc tính khá thân thiện, có những giống chó được xếp vào loại hung dữ, nguy hiểm như Pit bull, ngao Tây Tạng, Boxer… Chúng lai trong cơ thể dòng máu của loài chó săn nhưng lại nuôi nhốt trong đô thị, gần với con người. Khi bản năng trỗi dậy, chúng có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào mà chúng cho là nguy hiểm.
Mạng xã hội hiện có rất nhiều hội nhóm giành cho những người chuyên nuôi và mua bán các giống chó này. Không khó để tìm thấy những tài khoản mạng công khai rao bán các loại chó săn với quảng cáo là đã được huấn luyện kỹ năng bảo vệ chủ như trèo tường, tấn công… Có những nơi cung cấp dịch vụ huấn luyện cho các chú chó, trong đó có cả tấn công người được xem là mối nguy với chủ nhân. Nhiều người nuôi các chú chó này với mục đích như một loại vũ khí, điển hình như vụ việc tại Đà Nẵng, khi có mâu thuẫn với hàng xóm, chủ của hai chú chó Pitbull và Becgie đã xua chúng cắn người, gây thương tích 29%, chủ nhân của hai chú chó bị xử 10 năm tù.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết đang xây dựng Dự thảo Thông tư mới về quản lý động vật, trong đó có chó mèo, dự kiến ban hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Nhiều quốc gia trên thế giới có quy định khắt khe về việc nuôi chó, đặc biệt là chó dữ, do mối nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cộng đồng. Một số giống chó bị cấm nuôi hoàn toàn hoặc hạn chế dưới hình thức gắn vi mạch bắt buộc, xin giấy phép đặc biệt cùng với các điều kiện ngặt nghèo khác.
Tình trạng chó dữ cắn người không chỉ đến từ sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của chủ nuôi mà còn do sự thiếu kiên quyết, nghiêm túc của các cơ quan quản lý các cấp. Đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần mạnh tay cấm nuôi chó dữ như nhiều quốc gia khác. Các quy định quản lý động vật nuôi của Nhà nước như cấm thả rông chó, mèo cũng cần được thực hiện triệt để, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, xây dựng quy định cho có mà không triển khai. Những vụ việc chó dữ thả rông gây thương tích, tử vong cho người cần phải được chấm dứt, để xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!