Trong những ngày qua, người dân Hà Nội đã rất háo hức trải nghiệm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đánh dấu bước tiến mới trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Tuy nhiên, để giảm ùn tắc cũng như giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện phát thải, vẫn cần nhiều biện pháp đồng bộ. Một trong số đó là đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nội thành của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội.
Mặc dù cách đây hai ngày, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định sẽ chưa trình HĐND thành phố về đề án này trong kỳ họp cuối năm vì đề án cần hoàn thiện thêm, nhưng giai đoạn này cũng là lúc mọi người dân, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông có thể đóng góp ý kiến để điều chỉnh đề án cho phù hợp.
Theo đơn vị tư vấn xây dựng đề án, Hà Nội sẽ lập 87 trạm, tương đương 68 vị trí để thu phí ô tô vào nội đô, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày. Dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện từ năm 2024, với mức phí từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi lượt xe. Theo đề án, khoản phí này đảm bảo sẽ tác động đến việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông như điều chỉnh lộ trình hay chuyển sang phương tiện công cộng.
Để xây dựng đề án này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn là Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải đã khảo sát ý kiến của 600 người dân. Trong đó, theo nhóm nghiên cứu, có hơn 2/3 số người được khảo sát ủng hộ phương án thu phí, nhưng với điều kiện phải có phương tiện công cộng thay thế. Đây cũng là một trong những lý do mà UBND TP Hà Nội quyết định chưa vội trình đề án này ra HĐND thành phố vì thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện để thực hiện. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, nhiều người dân còn đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên việc thu phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ. Đây cũng là một nỗi lo thấy rõ.
UBND thành phố Hà Nội sẽ chưa trình HĐND thành phố dự thảo đề án thu phí phương tiện vào nội đô tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố trong tháng 12 tới. (Ảnh: VOV)
Việc kinh doanh vận tải hành khách hay hàng hóa mất tiền phí vào nội đô thì đã đành, nhưng với những người dân sống ở trong khu vực thu phí nếu theo đề án, cứ ra khỏi Hà Nội đến khi trở về nhà là họ lại mất tiền. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là những người có nhà ở ngoại thành, hàng ngày phải đi ô tô vào nội thành để làm việc.
Thực ra, việc thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô không phải là chưa có tiền lệ khi một số quốc gia cũng từng áp dụng chính sách này như Singapore; New York, Hong Kong (Trung Quốc), London (Anh)… Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng của các nước chắc chắn khác nhau, hệ thống thuế phí sẵn có cũng khác. Vì thế, với đề án cho Thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn về tính khả thi.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chủ trương thu phí ô tô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được thành phố Hà Nội dự kiến từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả, có hàng loạt "bài toán khó" phải đối mặt, nhất là khi các điều kiện hạ tầng về giao thông hiện nay ở Thủ đô chưa đáp ứng, phương tiện công cộng mới chỉ giải quyết được 17% nhu cầu đi lại của người dân. Hơn nữa, việc thu phí ô tô vào nội đô có thể khiến người sử dụng xe máy gia tăng. Điều này đi ngược lại chủ trương hạn chế xe máy trong nội đô như mục tiêu Hà Nội đang hướng đến.
Còn theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc lập trạm thu phí cố định, theo khung giờ là giải pháp chưa rõ hiệu quả để giảm ùn tắc, thậm chí có thể chia cắt dòng phương tiện, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nguy cơ ùn tắc tại các các đường tránh bên ngoài vành đai thu phí hoàn toàn có thể xảy ra. Thay vào đó, theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cơ quan quản lý nên dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe bus để từng bước giảm ùn tắc khu vực nội thành.
Luật sư Dương Lê Ước An (thuộc Công ty Luật hợp danh Đại An Phát, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định, việc thu phí này do chưa được quy định cụ thể rõ ràng tại các văn bản pháp luật nên có thể sẽ dẫn tới việc lạm thu, không công khai, minh bạch trong sử dụng.
Liên quan đến đề án này, vào ngày 4/11, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời Sở Giao thông Vận tải thành phố nêu rõ: "Việc phê duyệt đề án vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ toàn diện các điều kiện thực hiện. Vì thế cần tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến, đánh giá tác động toàn diện của đề án, làm rõ một số nội dung về thời điểm áp dụng thu phí; nguồn kinh phí đầu tư các trạm thu phí; điều kiện hạ tầng giao thông công cộng… rồi mới thực hiện thí điểm theo khu vực hẹp trước khi mở rộng theo lộ trình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!