Gạo Việt Nam có chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Cà phê Việt Nam có năng suất cao gấp ba lần so với năng suất trung bình của cà phê trên thế giới. Nhiều giống vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được sinh sản nhân tạo thành công. 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp là nhờ có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân.
Người dân tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp đã được hướng dẫn thực hiện quy trình khép kín từ chọn giống, chăm sóc đất, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại
10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu 23,31 tỷ USD, nhiều sản phẩm nông thủy sản đã gia tăng tỷ trọng tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản càng khẳng định chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Nhiều sản phẩm nông sản đã đạt tiêu chuẩn năm không: không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không kích ứng tăng trưởng và cũng không chất bảo quản hay nhiều sản phẩm cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn đang là xu hướng ở nhiều nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Hơn 30.000 cán bộ khuyến nông cơ sở đóng vai trò cầu nối, chuyển giao công nghệ canh tác đến người nông dân
"Việc kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực rau quả đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình này sang các lĩnh vực nông nghiệp khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là những tiến bộ kỹ thuật hiện nay đã đủ sức thu hút sự quan tâm của bà con nông dân hay không? Thứ hai, việc cung cấp thông tin để bà con tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật là một thách thức lớn. Thứ ba, truyền tải thông tin làm sao để bà con tin tưởng và áp dụng cũng rất quan trọng. Nếu đáp ứng đủ cả ba yếu tố này, có thể yên tâm rằng tiến bộ kỹ thuật sẽ được đưa vào thực tế", ông Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về vấn đề chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đến người nông dân
"Trong 6 năm qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều chi phí vào việc xây dựng các kênh và diễn đàn để chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho nông dân. Chúng tôi phát triển nền tảng 2Nông và xây dựng nhân vật ảo "Anh Hai Cà Mau". Với 2Nông, người nông dân có thể tìm thấy công cụ hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều loại cây trồng và công cụ chẩn đoán sâu bệnh. Nền tảng này đã thu hút hàng chục triệu lượt tương tác. Bên cạnh đó, thông tin thời tiết được cập nhật 2 giờ một lần của từng huyện trên khắp cả nước và thông tin giá nông sản và phân bón được cập nhật theo giờ", bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ về việc doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân
Từ năm 2015, hình thức hợp tác công tư hay còn gọi là PPP đã được thể chế hóa thành đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu là tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình hợp tác đã giúp tăng 17% sản lượng, tăng 17% thu nhập của nông dân và giảm đến 43% CO2 phát thải so với mô hình truyền thống. Trong năm 2023, Phân bón Dầu khí Cà Mau đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh triển khai chuỗi hội thảo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón đúng cách, thu hút hàng trăm nghìn lượt nông dân tham gia và hàng trăm cán bộ kỹ thuật của các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh khác. Vào năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quyết định thành lập và định hướng chiến lược của nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tham gia đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
"Doanh nghiệp sẽ là bệ đỡ tiếp nhận các sản phẩm khoa học công nghệ và là cầu nối trung gian đưa những sản phẩm này từ phòng nghiên cứu đến đồng ruộng của nông dân", ông Phạm Văn Toàn nhận định.
Cũng theo ông Phạm Văn Toàn, trước đây, nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất, nhưng cần phải xem đây là kinh tế nông nghiệp, tức là mọi công đoạn trong quá trình sản xuất phải liên kết với nhau. Vật tư đầu vào chỉ là một phần, còn bao gồm giống cây trồng, các loại vật tư khác. Sau khi sản phẩm được tạo ra, cần có quá trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Do đó, việc liên kết không chỉ dừng ở một doanh nghiệp hợp tác với nông dân, mà phải theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra, đặc biệt là khai thông thị trường. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể khai thông thị trường trong ngành của họ, đồng thời không ngừng cập nhật công nghệ để bắt kịp những thay đổi liên tục.
Nhiều thiết bị công nghệ hiện đại được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, trong những năm qua, để triển khai nhiều hội thảo và mô hình trình diễn cho nhiều loại cây trồng, Phân bón Dầu khí Cà Mau không thực hiện một mình mà đã phối hợp với các viện nghiên cứu như Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Viện Cây ăn quả Miền Nam, cùng các trường đại học và nhiều viện khác trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Bên cạnh đó, Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng phối hợp để các nhà khoa học truyền đạt kỹ thuật và các thông tin cần thiết trong kinh doanh nông nghiệp đến nông dân.
"Tôi cho rằng nếu có một "nhạc trưởng" là cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp của chúng tôi sẽ đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn hơn, mang tính chiến lược trên nhiều mũi. Là một doanh nghiệp, chúng tôi luôn chủ động đề xuất hợp tác dựa trên những nhu cầu và định hướng mà doanh nghiệp thấy nên làm", bà Nguyễn Thị Hiền bày tỏ.
"Đối với các nhà nghiên cứu, điều quan trọng đầu tiên là xác định vấn đề cần nghiên cứu, từ đó phát triển các sản phẩm, quy trình, công nghệ và kết nối với doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm mà người được hưởng lợi cuối cùng là nông dân. Quy trình này bao gồm nhiều yếu tố, từ việc tiếp cận và nghiên cứu những tiến bộ bên ngoài, đến việc phân tích và đánh giá điều kiện trong nước để xem liệu những công nghệ mới có phù hợp không. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm đó, đưa vào thực tiễn phục vụ ngành nông nghiệp", ông Phạm Văn Toàn cho biết thêm.
Hàng trăm nông dân và cán bộ kĩ thuật của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tham gia hội thảo kỹ thuật và tập huấn canh tác, sử dụng phân bón đúng cách
Khi có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học, những mô hình sản xuất của nông dân sẽ được áp dụng ứng dụng công nghệ cao theo những quy trình đạt chuẩn. Đó là xu hướng phát triển tất yếu, mang tính bền vững, góp phần nâng cao vị thế cũng như là thu nhập của người nông dân. Rất cần sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, sự hoàn thiện về cơ chế chính sách để có thể hỗ trợ cho người nông dân và cả doanh nghiệp. Bởi khi người nông dân được chuyển giao công nghệ, được làm chủ kỹ thuật cũng là lúc những sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam nâng tầm về chất lượng và từ đó nông sản của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn trong bàn ăn tại nhiều quốc gia trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!