Thuốc bảo vệ thực vật đang bị lạm dụng quá đà

Nguyễn Hùng-Thứ tư, ngày 12/08/2020 17:18 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu và tiêu thụ 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình, mỗi người Việt sử dụng 1,1kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm.

Ít thì 5 ngày phun 1 lần, nhiều thì 2-3 ngày 1 lần, thậm chí sáng phun mà gặp mưa thì chiều phun lại. Đây là thực trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân. Sức khỏe con người, cùng môi trường đất và nước đang bị đe dọa.

Đã có bao nhiêu thuốc bảo vệ thực vật dùng trên cây trồng, đồng ruộng? Thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân đang diễn ra như thế nào?

Thuốc bảo vệ thực vật: Không dùng không có thu?

Trồng 1.000 chậu hoa cúc mâm xôi, ngày ngày anh Bền đều phải ra vườn chăm sóc theo dõi cây. Mầm cây non rất hấp dẫn sâu bệnh tấn công, nên nếu sơ sảy một chút có thể bị ảnh hưởng cả vụ hoa. Vì thế, phun xịt phân bón và thuốc kích thích, thuốc phòng bệnh là công việc đều đặn 2, 3 ngày 1 lần.

Hơn 20 năm trồng rau cho hợp tác xã, anh Phương cho biết để hạn chế việc phải phun xịt thuốc thì phải thăm nom hàng ngày thậm chí hàng giờ. Nếu có dấu hiệu sâu bệnh là phòng bệnh liền, còn nếu đã xuất hiện bệnh, việc phun trị sâu cho cây sẽ tốn kém hơn.

Cứ sáng sớm hoặc xế chiều, trên những cánh đồng người dân lại kiên trì phun xịt thuốc chăm sóc cây trồng để chờ 1 vụ mùa có thu.

Cây hoa cúc từ khi ương giống đến khi trưởng thành phải phun xịt 50 đến 60 lần thuốc bảo vệ thực vật các loại. Theo những người nông dân muốn có hoa trái, rau quả bán ra thị trường, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là điều không thể tránh khỏi.

Thuốc bảo vệ thực vật đang bị lạm dụng quá đà - Ảnh 1.

Người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen

Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng như cách các nông dân là rất phổ biến. Về tinh thần, nhiều người dân cơ bản nắm được nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế trên cây trồng lại hoàn toàn khác.

- Về loại thuốc: Người dân ra đại lý kể bệnh trên cây và sẽ được bán thuốc tương ứng, về phun cho cây nếu không hiệu quả lại mua thuốc khác.

- Về liều lượng: Việc pha thuốc phần lớn theo kiểu ước lượng nên đôi khi pha đậm và phun đậm 1 chút biết đâu sẽ hiệu quả hơn. Nhỡ pha thuốc bị loãng, sâu không chết lại còn nhờn thuốc.

- Về thời điểm: Nếu cây trồng bị bệnh thì phải phun thuốc trị sâu bệnh, còn không bị bệnh thì phun loại thuốc phòng bệnh. Để cho chắc chắn, nhiều người phun thuốc trước, phòng bệnh cho chắc ăn nên đôi khi cây trồng không có bệnh cũng được tắm thuốc.

Nông dân lạm dụng hay phụ thuộc thuốc bảo vệ thực vật?

Hiện Việt Nam có hơn 4.000 loại thuốc được phép sử dụng. Trong số này chỉ có khoảng 20% là thuốc sinh học, còn lại vẫn là hóa học. Thuốc sinh học có số lượng ít hơn, lại không được người dân ưa dùng, vì không có hiệu quả tức thì như thuốc hóa học.

Thuốc hóa học hay được sử dụng, còn cách dùng thuốc của nông dân thì cứ căn cứ thực tế dịch bệnh trên cây trồng và hướng dẫn trên bao bì để phun. Sự không rõ ràng giữa thực tế cây trồng và nguyên tắc 4 đúng; khiến chính người nông dân đôi khi cũng băn khoăn không biết mình có lạm dụng thuốc hay không?

Ngoài việc phun tưới các loại thuốc kích thích sinh trưởng thì cứ thấy có dấu hiệu sâu bệnh là người dân tiến hành phun thuốc phòng trừ, thậm chí không có dấu hiệu nhưng cứ phun thuốc phòng ngừa cho chắc. Đó là cách rất nhiều nông dân đang làm. Đôi khi vừa phun mà gặp mưa thì hôm sau phun thuốc lại. Theo cách nhìn của cán bộ chuyên môn, như vậy là lạm dụng.

Với cách làm như thế này thì cứ 3 đến 5 ngày cây trồng lại được phun xịt thuốc 1 lần. Và để có 2.000 chậu hoa thành phẩm thì chi phí thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ của nông hộ này lên đến gần 100 triệu đồng. Theo TS Liêm, bài toán kinh tế cho mỗi mùa vụ đang là sức ép khiến nông dân đang phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng theo Tiến sĩ Liêm, đa phần các hộ nông dân sản xuất với quy mô vừa và nhỏ nên năng suất và lợi nhuận mỗi mùa vụ được quan tâm hàng đầu trong khi chất lượng và sự an toàn của sản phẩm lại ít được chú ý.

Giải pháp hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật đang bị lạm dụng quá đà - Ảnh 2.

Nông nghiệp công nghệ cao là phương pháp canh tác an toàn.

Với người tiêu dùng, việc các sản phẩm nông nghiệp càng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì càng tốt. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở một số cây trồng như rau quả, cao hơn mức cần thiết khoảng 30% - 40%. Phần lớn các sản phẩm này được tiêu thụ trong nước. Lý do vì với sản phẩm xuất khẩu, các tiêu chí kiểm tra hóa chất tồn dư hoặc hồ sơ truy xuất rất khắt khe nên chỉ có những đơn vị sản xuất công nghệ cao mới đáp ứng được.

Chưa nói đến vấn đề thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên nông sản như thế nào và ảnh hưởng tới sức khỏe con người ra sao. Tuy nhiên, việc dùng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều trên cây trồng và đồng ruộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và cần phải có biện pháp hạn chế việc dùng thuốc càng sớm càng tốt.

Để giảm bớt việc dùng thuốc bảo vệ thực vật chỉ có cách thay đổi phương pháp canh tác truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, phần lớn nông dân không đủ nguồn vốn để thay đổi nên không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều.

Cũng theo tiến sĩ Chơn, giảm bớt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải được hành động ngay, bởi việc lạm dụng rất đáng lo ngại cho sức khỏe con người, môi trường đất và nước về lâu dài bởi thuốc bảo vệ thực vật đều là độc hại.

Cẩn trọng: Trẻ ngộ độc phốt pho hữu cơ nặng do hít phải thuốc trừ sâu lâu ngày Cẩn trọng: Trẻ ngộ độc phốt pho hữu cơ nặng do hít phải thuốc trừ sâu lâu ngày

VTV.vn - Thiếu niên 15 tuổi ở Hậu Giang phải nhập viện cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc phốt pho hữu cơ do hít phải thuốc trừ sâu lâu ngày, khiến chất độc tích tụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước