Những giai điệu cổ động cho phong trào phân loại rác tại nguồn- 3R đã được lan tỏa cách đây gần chục năm, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Nhưng xem ra vẫn chỉ là những lời ca trong 1 bài hát chưa trở thành thói quen hàng ngày của người dân.
Có phân loại rác mới có thể tái sử dụng, hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Đã chục năm nay, việc phân loại rác vẫn chưa thành yêu cầu bắt buộc với toàn dân. Thế nhưng vẫn có những người phụ nữ đã thay đổi. Họ đang dẫn đầu trong phong trào này.
Nhà bà Quy ở phường Kim Tân, TP Lào Cai, nhà bếp lúc nào cũng có 2 thùng đựng rác. Thùng màu xanh đựng rác hữu cơ gồm rau, củ quả, thức ăn thừa, thùng còn lại là rác vô cơ gồm túi nylon, vỏ chai lọ, đồ nhựa. Vào buổi chiều hàng ngày, 2 loại xe sẽ đến thu gom riêng biệt 2 loại rác.
Còn tại nhà bà Thêu ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gia đình bà chuyên nghề bán chè, nước giải khát, mỗi ngày vài trăm suất là ngần ấy túi nylon, cốc nhựa, thìa nhựa. Nhưng bà không vứt bừa. Rác thải được phân loại vào từng túi, treo tạm lên cây để chó mèo khỏi cắn bẩn.
Phân loại rác đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình xử lý rác thải
Những biến chuyển về việc phân loại rác của cả xã Hùng Lô, Phú Thọ đã được bắt đầu từ những người phụ nữ. Lúc trước xã cũng đau đầu vì rác thải. Chính hội phụ nữ lập ra Tổ thu gom. Hàng ngày, họ đến từng nhà thu gom nhưng sẽ kiên quyết với những gia đình nào không chịu phân loại rác ngay từ đầu.
Chỉ có 6 người phụ nữ làm công việc thu gom rác, vậy mà cả xã Hùng Lô hàng nghìn hộ dân không hề có tình trạng rác thải ùn ứ. Là vì phụ nữ đi đầu trong việc phân loại rác. Phụ nữ đi đầu trong thu gom rác. Phụ nữ lại đi đầu trong việc vận động người dân cùng chung sức.
Ở nước ta phân loại rác vẫn là 1 cuộc vận động. Còn Ở nhiều quốc gia, phân loại rác tại nguồn đã là một yêu cầu bắt buộc. Mỗi nước lại có một cách phân loại khác nhau. Nhưng mục đích cao nhất là có thể tái chế được rác để hạn chế thải ra môi trường.
Phân loại rác là một chuyện nhưng một vấn đề quan trọng không kém là xử lý khối lượng rác đã được phân loại như thế nào? Việc mỗi người chúng ta có thể làm ở thời điểm này là hạn chế rác thải ra môi trường. Nhưng nếu chỉ dựa vào ý thức của mỗi người thì chắc không đủ. Một cách làm đang được tính đến là đánh vào kinh tế. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đang đưa ra một nội dung đó là: người dân thải ra bao nhiêu rác, thì sẽ phải trả bấy nhiêu tiền. Người nào càng thải nhiều rác, càng phải trả nhiều tiền, chứ không phải đánh đồng một mức thu như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!