Tiếp tục xảy ra sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 21:07 GMT+7

VTV.vn - Thực tế, tình trạng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều năm qua. Thế nhưng cho đến lúc này, các giải pháp vẫn chưa phát huy kết quả.

Trung bình mỗi năm, nền đất tại Thành phố Hồ Chí Minh lún thêm khoảng 2cm. Đây là kết quả khảo sát vừa được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA - công bố, sau quá trình kiểm tra thực địa và thu thập thông tin. Với tốc độ sụt lún này, theo các nhà khoa học thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, Thành phố Hồ Chí Minh đang nằm trong nhóm các đô thị lún nhanh nhất trên thế giới.

Thực tế, sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh là vẫn đề đã được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước, thậm chí thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp chống lún. Thế nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí xuất hiện nhiều điểm lún mới.

Tại khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, nền nhà nào cũng cao hơn mặt đường, ít thì vài tấc, nhiều thì nửa mét, thậm chí có nhà còn xây thêm cả bậc thang để dễ đi lại.

Nền nhà ở đây chẳng phải nâng lên để chống ngập bởi trước đó tất cả đều được xây dựng theo quy định cốt nền của địa phương.

Nhà nghiêng nên cứ mỗi lần bước vào nhà, bà Trương Thị Đào (khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) và các thành viên khác trong gia đình phải vịn tay vào cửa. Đi mãi cũng thành quen nhưng nhiều lúc vẫn xảy ra tai nạn.

Quận Bình Tân có đến 4 điểm xảy ra lún: phường An Lạc, Bình Trị Đông B, Tân Tạo, khu vực gần kênh Bến Cát - Tham Lương. Ghi nhận tại các khu vực gần kênh rạch tốc độ lún diễn ra nhanh hơn, mực độ lún cũng nhiều hơn. Kết quả khảo sát độ lún tích lũy của JICA trong 12 năm cho thấy, độ lún bình quân hàng năm tại quận Bình Tân là từ 6 - 7 cm. Bình Tân cũng là địa phương có nền sụt lún lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sụt lún, nhà nghiêng khiến người dân không chỉ sống trong lo âu thấp thỏm vì mất an toàn mà còn mất đi cả tình làng xóm. Tranh chấp giữa 3 căn nhà này đã diễn ra suốt hơn 2 năm nay chỉ vì 1 căn nhà bị nghiêng làm ảnh hưởng đến 2 căn còn lại. Ai cũng biết là do lún nhưng chi phí sửa chữa quá cao khiến không ai chịu ai. Năm nào quận Bình Tân cũng nhận đơn thưa kiện của người dân với lý do tương tự. Số lượng mỗi năm mỗi tăng.

Tình trạng sụt lún dịch chuyển dần về nội thành

Cũng theo kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, tình trạng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu dịch chuyển về nội thành.

Cụ thể, kết quả quan trắc bằng hình ảnh vệ tinh cho thấy, giai đoạn 2006 - 2010, sụt lún nền tại thành phố xảy ra chủ yếu tại các khu vực ngoại vi thành phố. Đây cũng là thời điểm thành phố tập trung phát triển quy mô lớn. Vì thế, nguyên nhân chính gây sụt lún được cho là do nền đất cát mịn bị lún trong thời gian ngắn thi công. Khảo sát trong giai đoạn 2006-2020, sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh được phát hiện có mức độ nghiêm trọng hơn ở các quận nội thành. Tập trung tại quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân. Ghi nhận tại điểm sụt lún lớn nhất tại các quận này, tốc độ lún bình quân là 3 cm/năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với kịch bản trung bình mực nước biển có thể dâng 53 - 73 cm, dự báo có khoảng 20 nghìn ha đất, chiếm hơn 15% diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập lụt, tập trung ở các huyện Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, và TP. Thủ Đức.

Thực tế, tình trạng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều năm qua. Thế nhưng cho đến lúc này, các giải pháp vẫn chưa phát huy kết quả. Mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đã đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải xem xét các giải pháp ứng phó để kiểm soát tình trạng sụt lún nền. Các giải pháp này cần được thực hiện ngay và duy trì trong thời gian dài.

Cấp bách triển khai giải pháp chống sụt lún

Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tình trạng sụt lún, TP cần giảm các tác động làm gia tăng tốc độ lún, trước mắt siết chặt việc khai thác nước ngầm trong sinh hoạt và sản xuất.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày đêm; đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không có giấy phép khai thác.

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển hệ thống giao thông ngầm. Quá trình thi công, khai thác phần nào tác động đến kết cấu nền đất. Vì thế trong quá trình xây dựng các công trình, đặc biệt tòa nhà cao tầng, TP cần tính toán đến giảm tải trọng công trình tại khu vực bờ sông, đồng thời việc thực hiện quy hoạch phải đồng bộ, tránh chắp vá.

Đến thời điểm này TP vẫn chưa có quy hoạch về cốt nền. Đây là một trong những lý do khiến các giải pháp chống sụt lún chưa mang lại hiệu quả. Hậu quả là dù chỉ đến 1 tỷ USD trong 5 năm qua để thực hiện chống ngập thế nhưng TP vẫn cứ mưa là ngập. Điều cần lúc này, TP cần có nghiên cứu bài bản về tình trạng sụt lún của TP, đồng thời đánh giá rủi ro, nghiên cứu các giải pháp chống ngập, thoát nước có tính đến tình trạng này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước