Tìm đường hoà nhập cộng đồng cho người nghiện sau cai

Ánh Kim-Thứ hai, ngày 27/06/2022 19:15 GMT+7

VTV.vn - Việc đào tạo nghề cho người nghiện ma túy để họ có cơ hội việc làm khi tái hoà nhập cộng đồng đang còn nhiều khó khăn.

90% người nghiện bị tái nghiện sau cai. Đây là con số đáng buồn tại không ít các địa phương trên cả nước trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người sau cai nghiện khi trở lại cộng đồng đã gặp phải không ít khó khăn để tái hoà nhập. Đặc biệt là việc tìm kiếm việc làm. Để phần nào hạn chế tình trạng này, nhiều năm qua, tại các cơ sở cai nghiện, người nghiện ma tuý không chỉ được điều trị mà còn được học nghề, từ đó hướng tới việc họ có thể chủ động nắm bắt được cơ hội việc làm khi tái hoà nhập cộng đồng. Thế nhưng, hoạt động này, trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn.

Cắt cơn, tỉnh táo, đối tượng cai nghiện nào cũng muốn được học cái nghề để sớm hoà nhập cộng đồng. Trung bình 2 năm với đối tượng cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở, học viên sẽ được tham gia học nghề sơ cấp theo nhu cầu, khóa 3 tháng.

Tìm đường hoà nhập cộng đồng cho người nghiện sau cai - Ảnh 1.

Học viên cai nghiện được đào tạo nghề

Nhiều người có tay nghề cũng nhờ những lớp đào tạo. Có nghề trong tay nhưng cứ trở lại cộng đồng thì nhanh chóng tái nghiện. Đào tạo nghề chưa thấy hiệu quả, nhiều trường hợp lại tiếp tục quay trở lại cơ sở với vòng luẩn quẩn.

Hiện, cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có gần 50% người đang ở các cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện. Tại Hà Nội, thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu là: đến năm 2025, 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; trên 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm và tạo việc làm. Rõ ràng, bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, việc tư vấn giới thiệu việc làm cho nhóm đối tượng này là hoạt động rất cần được tiến hành song song.

Trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm ngay tại 7 cơ sở cai nghiện trên địa bàn TP Hà Nội. Thực tế số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, trung tâm cũng chú trọng cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn vị trí việc làm phù hợp cho các học viên.

"Cầu nối" việc làm, cơ hội để người nghiện sau cai hoà nhập cộng đồng. Thế nhưng, đây mới chỉ là một trong những điều kiện cần, mang tính khách quan giống như sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nghiện sau cai. Điều kiện đủ, để giúp người nghiện trở về cuộc sống bình thường chính là sự nỗ lực của bản thân của họ. Bởi, khi ra khỏi cơ sở cai nghiện, bên ngoài sẽ là đầy rẫy sự cám dỗ, mỗi ngày. Nói từ bỏ được ngay là khó. Số lượng người nghiện sau cai, duy trì được 5 năm, đã ít, được 10 năm, cũng không phải dễ tìm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước