Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi di chuyển trong và ngoài khu đông dân cư sẽ thay đổi như thế nào?

PV-Thứ bảy, ngày 31/08/2024 05:46 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất quy định về giới hạn tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới đang được Bộ GTVT lấy ý kiến tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 31/2019.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.

Thông tư nhằm hướng dẫn phù hợp theo Luật Đường bộ 2024 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi di chuyển trong và ngoài khu đông dân cư sẽ thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

“Tốc độ tối đa cho phép” có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển sẽ phụ thuộc vào điều kiện từng tuyến đường. (Ảnh minh họa).

Cho phép đơn vị quản lý đường được điều chỉnh tốc độ tối đa

Đáng chú ý, dự thảo thông tư đề xuất tốc độ tối đa cho phép cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc, đường bộ trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác) như sau:

Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi di chuyển trong và ngoài khu đông dân cư sẽ thay đổi như thế nào? - Ảnh 2.

Đề xuất tốc độ tối đa trên các tuyến đường qua khu vực đông dân cư.

Như vậy, đề xuất về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư không có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 31/2019.

Tuy nhiên, dự thảo bổ sung quy định, trường hợp đường trong khu vực đông dân cư có điều kiện thuận lợi để bảo đảm ATGT (như đường trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác, đường trong đô thị được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng), người quản lý sử dụng đường bộ sau khi tổ chức đánh giá, nếu bảo đảm an toàn được báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa lớn hơn giới hạn tốc độ tối đa nêu trên.

Đối với ngoài khu vực đông dân cư, thảo thông tư đã đề xuất tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) như sau:

Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi di chuyển trong và ngoài khu đông dân cư sẽ thay đổi như thế nào? - Ảnh 3.

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư.

Đối với tốc độ tối đa cho phép ngoài khu vực dân cư được đề xuất tại dự thảo Thông tư cũng không có sự thay đổi so với quy định hiện hành đang áp dụng tại Thông tư 31/2019.

Tuy nhiên, tương tự với đề xuất về tốc độ giới hạn trong khu dân cư thì đối với khu vực ngoài dân cư cũng đã đề xuất thêm quy định:

Trường hợp đường bộ đang khai thác nằm ngoài khu vực đông dân cư và thuộc các đoạn đường cấp V, cấp VI theo cấp thiết kế, hoặc các tuyến đường, đoạn đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT (tổng bề rộng mặt đường phần xe chạy theo mỗi chiều đường từ 3,5m trở xuống, bán kính đường cong nhỏ, các đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế, hoặc các trường hợp bất lợi khác), người quản lý, sử dụng đường bộ tổ chức đánh giá, báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa cho phép nhỏ hơn giới hạn cho phép và thực hiện đặt báo hiệu tốc độ tối đa cho phép.

Bổ sung để phù hợp với thực tiễn

Lý giải cho đề xuất bổ sung thêm các quy định nêu trên, Cục Đường bộ cho biết, qua 5 năm thực hiện Thông tư số 31/2019 đã góp phần vào ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông.

Tuy vậy, quá trình thực hiện, cũng đã phát sinh một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm quy định rõ hơn, phù hợp với thực tiễn, như quy định về rà soát hiện trường, để đặt biển "Tốc độ tối đa cho phép" có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển, nếu điều kiện hạ tầng kỹ thuật thuận lợi hơn hoặc bất lợi.

Cũng theo Cục Đường bộ, đến nay, loại hình đường trên cao đi qua khu vực đông dân cư không có nút giao hay đường được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng đang phổ biến ở một số đô thị. Các loại đường này thuận lợi trong bảo đảm ATGT có thể khai thác với tốc độ cao hơn so với các loại đường khác trong khu vực đông dân cư.

Việc nâng tốc độ tối đa lớn hơn giới hạn quy định đối với các phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư đối với các tuyến đường trên nhằm nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường, rút ngắn thời gian lưu thông, nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí vận tải, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngược lại, ngoài khu vực đông dân cư, có một số tuyến đường, đoạn đường cần thiết phải giảm tốc độ khai thác để bảo đảm ATGT như đường cấp V, cấp VI, hoặc các tuyến đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT (bề rộng mặt đường theo mỗi chiều dưới 3,5m, bán kính đường cong nhỏ, các đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế).

"Giảm tốc độ khai thác thấp hơn giới hạn quy định các phương tiện lưu thông ngoài khu vực đông dân cư đối với tuyến đường nêu trên nhằm bảo đảm ATGT, hạn chế rủi ro cho người và phương tiện khi lưu thông, giảm tai nạn giao thông qua các đoạn đường có điều kiện bất lợi", Cục Đường bộ cho hay.

Dự thảo thông tư quy định đang được Bộ GTVT lấy ý kiến gồm 3 chương, 14 điều. Ngoài hai chương quy định chung và tổ chức thực hiện, nội dung chính của dự thảo thông tư ở chương II quy định về tốc độ, khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ; tốc độ thiết kế.

Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thay thế Thông tư 31/2019 dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước