Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tiếp tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý thuê bao trả trước hiệu quả hơn để ngăn chặn tin nhắn rác; đồng thời quyết liệt yêu cầu các nhà mạng cam kết thực hiện các biện pháp kĩ thuật cũng như quản lý thuê bao. Tuy nhiên, những biện pháp này dường như cũng chưa mấy hiệu quả.
Theo thống kê từ Công ty an ninh mạng BKAV, có 90% thuê bao thường xuyên nhận tin nhắn rác, trong đó 43% là nạn nhân hàng ngày với tần suất cao. Thậm chí, có người vừa đăng kí sim đã có tin nhắn quảng cáo. Mặc dù trong nội dung kí cam kết với TP.HCM, các nhà mạng và doanh nghiệp viễn thông vừa phải thực hiện biện pháp kĩ thuật, vừa phải quản lý thuê bao trả trước, nhưng hiện việc mua được 1 chiếc sim điện thoại vẫn quá dễ dàng. Về mặt kỹ thuật, TP.HCM cũng thừa nhận rất khó quản lý loại hình này.
Theo thông báo của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, 6 tháng đầu năm, Viettel đạt doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 20.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đạt mục tiêu doanh thu năm 2014 là 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu của các dịch vụ phi thoại, đặc biệt là các dịch vụ dựa trên nền công nghệ 3G ngày càng cao với hơn 55% lợi nhuận.
Những con số trên là không hề nhỏ, nên không khó lý giải tại sao các nhà mạng luôn muốn phát triển thuê bao và buông lỏng quản lý. Vì vậy, chỉ một mình TP.HCM quyết tâm sẽ không thể ngăn chặn tin nhắn rác, vì mạng di động bao phủ ở khắp cả nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.