Điều này nhằm hướng đến mục tiêu tạo tấm khiên đề kháng tốt nhất cho những người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cũng chính vì dễ bị tổn thương nên vấn đề an toàn tiêm chủng cũng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, bổ sung thêm khâu xét nghiệm nhanh và tập trung đặc biệt vào theo dõi, xử trí những phản ứng sau tiêm.
Sáng 27/7 tại khu vực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, có rất nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn xếp hàng chờ để được tiêm.
Người dân khai báo y tế trước khi vào tiêm
Điểm khác biệt trong đợt tiêm lần này là tất cả người đến tiêm đều được test nhanh, nếu âm tính mới được vào khám sàng lọc và tiêm. Đây vừa là cách để đảm bảo an toàn tiêm đồng thời cũng là cách để lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng.
Được chỉ định làm điểm tiêm cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền, ngoài các điểm tiêm cộng đồng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn tổ chức 2-4 vị trí tiêm riêng biệt ngay trong bệnh viện để đảm bảo giãn cách. Các điểm tiêm đều có đầy đủ các kíp tiêm và kíp cấp cứu để đảm bảo toàn bộ quy trình tiêm chủng an toàn.
Là một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình tiêm chủng, khâu theo dõi phản ứng sau tiêm có điều kiện thuận lợi hơn do điểm tiêm được tổ chức trong bệnh viện, nên vật tư trang thiết bị cần thiết trong trường hợp cấp cứu phản ứng sau tiêm luôn sẵn sàng.
Hiện TP Hồ Chí Minh có 606 đội tiêm, chưa kể các đội chuyên trách tại bệnh viện. Công tác tiêm chủng đang tăng tốc dần, hôm nay, có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày. Với tốc độ tiêm hiện nay, TP Hồ Chí Minh có thể hoàn tất kế hoạch tiêm chủng trong 10 ngày liên tiếp; sau đó dành một tuần để tiêm vét. Theo thống kê, có khoảng 10% đối tượng được lên danh sách, nhưng không tiêm vaccine vì không đủ điều kiện khi khám sàng lọc, người lao động rời địa phương, người trên 65 tuổi vì nhiều lý do nên không đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!