3 tầng điều trị F0 của TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh đã công bố 2 giai đoạn phòng chống dịch, từ 15/8 đến cuối tháng 8 và từ 1/9 đến 15/9. Trong đó giai đoạn 1, thành phố đặt mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị và mở rộng "vùng xanh".
Riêng về điều trị, ngay 16/8, TP Hồ Chí Minh thông báo thay đổi mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tháp 5 tầng thành 3 tầng. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, sự thay đổi giúp thành phố tập trung nguồn lực về y tế, trang thiết bị, nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân một cách phù hợp trong tình hình hiện tại.
Mô hình 3 tầng điều trị tại TP Hồ Chí Minh cụ thể như sau:
- Tầng 1: TP triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh cho F0. Đồng thời, tầng này cũng là các cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và TP Thủ Đức tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng, bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định. Hiện TP có 153 cơ sở cách ly tập trung tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
- Tầng 2: Tiếp nhận, thu dung những trường hợp F0 cấp cứu và điều trị; các trường hợp F0 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh nền. Các bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19 đã chuyển đổi công năng hoặc các bệnh viện đã tách đôi sẽ tiếp nhận những trường hợp này.
Hiện tầng này có 74 bệnh viện điều trị COVID-19, bao gồm 24 bệnh viện dã chiến, 41 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố; 9 bệnh viện Trung ương.
- Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng và nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố và các bệnh viện được Bộ Y tế đã tăng cường. Hiện có 8 bệnh viện hồi sức COVID-19, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Quân y 175 và 5 Trung tâm hồi sức Quốc gia.
Việc thay đổi mô hình điều trị xuất phát từ một số hạn chế của mô hình cũ bởi thực tế cho thấy, vẫn còn tỷ lệ tử vong ở ngay nơi dành cho việc điều trị bệnh nhân nhẹ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Tiếp tục tăng cường về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, vật lực đặc biệt là oxy cho các bệnh viện ở trung tâm hồi sức ở tuyến cuối để có thể đảm nhận thêm các trường hợp cấp cứu cho bệnh nhân nặng, rất nặng và nguy kịch. Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cấp về oxy và một số loại thuốc rất cần thiết cho việc cấp cứu người bệnh".
Nâng cao năng lực điều trị
TP Hồ Chí Minh đang có sự thay đổi linh hoạt, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong công tác phòng chống dịch. Ngoài bổ sung trang thiết bị, thay đổi mô hình điều trị, thời gian qua, hàng loạt các bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cũng đã được thiết lập thần tốc. Nhưng yếu tố quan trọng nhất để điều trị hiệu quả luôn là đội ngũ nhân lực. Để thực hiện điều trị lâu dài cần phải duy trì được lực lượng y tế với sự chuẩn bị cao hơn một mức.
Trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, một nguồn nhân lực rất lớn đã được điều chuyển về đây để hỗ trợ các địa phương. Bên cạnh yếu tố trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Các y bác sĩ là những người chỉ huy trực tiếp trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Chính những quyết định của họ đã giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Không chỉ ở các cơ sở y tế, hiện cũng có một lượng lớn F0 đang điều trị tại nhà. Vì vậy, để kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp F0 tại nhà nếu như họ trở bệnh nặng, TP Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ y tế cộng đồng, tổ phản ứng nhanh ở các quận huyện và Thành phố Thủ Đức. Lực lượng này luôn túc trực và sẵn sàng hỗ trợ cho F0 đang cách ly tại nhà. Điều này đồng thời cũng góp phần giảm tải áp lực cho y bác sĩ và nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!