Đường Nguyễn Hữu Cảnh với nhiều tòa nhà cao tầng, chung cư, hiện đang được sửa chữa với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Ảnh: Dân trí.
Một trong những thông tin đang rất được người dân TP.HCM quan tâm trong vài ngày qua đó là việc có nên hay không thu phí chống ngập đối với các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng, xuất phát từ đề xuất của một đại biểu Hội đồng nhân dân trong kỳ họp mới đây.
Phía ủng hộ nói, nhà cao tầng, đô thị nén chiếm hết diện tích thoát nước là nguyên nhân gây ngập thì phải có nghĩa vụ đóng góp. Khi thu phí cũng khiến nhà đầu tư phải có nghĩa vụ làm hệ thống thoát nước tốt hơn.
Phía phản đối cho rằng, ngập nước ở TP.HCM do hai nguyên nhân triều cường và hệ thống thoát nước không đáp ứng nhu cầu. Nhà cao tầng nén mật độ dân cư gây kẹt xe, nước thải tập trung một chỗ gây ô nhiễm thì đúng, chứ bảo gây ngập thì không chính xác.
Mà nếu thu thì sẽ thu từ ai? Hơn 1.000 nhà chung cư ở TP.HCM hiện nay chẳng hạn, 90% căn hộ chủ đầu tư đã bán hết cho dân. Lúc đó họ bán hợp pháp, đúng thủ tục, giờ hồi tố thu tiền của chủ đầu tư chắc chắn là khó. Nếu chỉ thu các chung cư xây mới thì lại mất công bằng, mà cuối cùng cũng tính lên giá nhà của người dân.
Dù có máy bơm "siêu khủng" nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập khi mưa. Ảnh: Dân trí.
Còn thu từ cư dân thì càng khó hơn. Dân đã đóng tiền xử lý nước thải trong khi mua nước sạch. Đã đóng phí bảo trì chung cư 2%. Từ lúc mua nhà đến đi làm hàng năm đều đóng thuế đầy đủ cho ngân sách. Nếu lại đóng nữa thì trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong khi chính quyền là nơi cấp phép cho chủ đầu tư xây các tòa nhà thì phải có trách nhiệm cân đối hạ tầng, nó là vấn đề tính toán tiền kiểm.
Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, TP đã quy định rõ, các chung cư, nhà cao tầng có diện tích từ 50 ha trở lên đều phải xây các hồ điều tiết, vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng chống ngập. Đấy có lẽ là giải pháp căn cơ hơn.
Nói như một số chuyên gia PV vừa xin ý kiến, chống ngập, giải quyết kẹt xe là trách nhiệm của Nhà nước, sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp, người dân tham gia nhưng đó nên là xã hội hóa, chưa nói quy hoạch cũng là trách nhiệm chính quyền và nó nên được tính toán trước. Thành phố đang như một người béo phì, nhưng thay vì tìm cách giảm cân, lại chỉ chăm chăm muốn may cái áo rộng hơn thì chưa chắc đã hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!