Tự chủ nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 đó là một trong những yêu cầu cấp thiết trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực như thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới WHO mới đây cảnh báo nguồn cung vaccine trên toàn thế giới đã, đang và sẽ còn khan hiếm. Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vaccine này cũng bị phụ thuộc vào vào tình hình dịch bệnh trên thế giới và khả năng của các nhà cung cấp. Đó cũng là một trong những lý do để Việt Nam nỗ lực hết sức để sớm có nguồn vaccine trong nước tự sản xuất.
Bên cạnh việc tích cực đàm phán để có nguồn vaccine trên thế giới, tự sản xuất, tự chủ nguồn vaccine là chiến lược quan trọng giúp chúng ta chủ động trong công tác phòng chống dịch và sớm đạt mục tiêu trên 70 triệu người dân Việt Nam được tiêm vaccine COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng.
Tiến độ nghiên cứu, năng lực sản xuất vaccine Nano Covax
Tại khu vực nghiên cứu nuôi cấy tế bào của vaccine Nano Covax, các kỹ sư đang chuẩn bị cho các khu vực lắp đặt trang thiết bị để nâng công suất sau khi bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba.
Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ - Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen cho biết: "Hiện tại, công ty có thể sản xuất 7,2 - 8 triệu liều 1 tháng. Hiện tại do dịch bệnh, nguồn cung có vẻ hạn chế. Chúng tôi cũng đang đàm phán để có thể tiếp tục nâng công suất để đáp ứng tình hình mới khi được yêu cầu".
Việc nâng công suất sản xuất theo công ty cho biết để chủ động khi hoàn thành giai đoạn 3 nghiên cứu có thể cung ứng vaccine ra thị trường quy mô lớn. Với giai đoạn này, 13.000 tình nguyện viên đã được lựa chọn. Số tình nguyện viên này sẽ được phân nhóm theo tỷ lệ 2:1 để tiêm giả dược và vaccine để đánh giá.
Tới thăm quy trình nghiên cứu sản xuất vaccine của Công ty Nanogen, Thủ tướng Phạm Minh Chinh hoan nghênh công ty đã chủ động đầu tư bài bản cho nghiên cứu sản xuất vaccine, đồng thời lưu ý việc nghiên cứu sản xuất vaccine phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, hiệu quả an toàn trong ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để sớm có nguồn vaccine sản xuất trong nước.
Hiện Nanogen đang có 4 nhà máy, trong đó 3 nhà máy ở TP Hồ Chí Minh. Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, dự kiến đến cuối năm 2021, Nanogen sẽ sản xuất được 50 - 100 triệu và có thể lên đến 120 triệu liều vaccine Nano Covax ưu tiên trong nước.
Trong một thông báo mới đây, đại diện Nanogen cho biết, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Còn PGS.TS. Hồ Anh Sơn- Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) chia sẻ, lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 của tất cả các tình nguyện viên đều tăng, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu... Đây là một tín hiệu rất mừng, là thông tin cực kỳ đáng khích lệ, cho thấy đến hiện tại, vaccine an toàn với người được tiêm.
Vaccine "Made in Vietnam" - Nhiều tín hiệu khả quan
Không chỉ có Công ty Nanogen, Việt Nam còn 3 đơn vị nữa đang tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Đó là Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech), Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cùng Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Theo đó, chúng ta đang có thêm những ứng viên vaccine ngừa COVID-19 made in Việt Nam đầy tiềm năng khác sau các giai đoạn nghiên cứu vừa qua.
Hợp tác sản xuất vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine nội đều đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dự kiến thời điểm đó không còn xa nữa.
Nếu các đơn vị sản xuất vaccine Việt Nam về đích đúng tiến độ mà Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhắc đến, tương đương thời gian phát triển một vaccine kéo dài khoảng 1,5 năm là tiến độ nhanh chưa từng có với vaccine nội và là một bước tiến đáng kể về năng lực nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam.
Tuy nhiên, không chỉ dừng ở đây bởi bên cạnh những kỳ vọng vào nguồn vaccine "made in Vietnam" còn có một giải pháp quan trọng khác để Việt Nam sớm tự chủ nguồn vaccine ngừa COVID-19 là tăng cường hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trên lãnh thổ Việt Nam.
Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine Sputnik V của Nga tại Việt Nam với công suất cung ứng dự kiến 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Doanh nghiệp này, vừa chính thức thử nghiệm gia công đóng ống những lọ vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga khi nhận được bán thành phẩm. Các tiêu chí của Nga đưa ra, tất cả đều đáp ứng tốt ở những lọ vaccine đầu tiên nay. Công suất ban đầu khoảng 5 triều liều/tháng nhưng có thể tăng thêm sản lượng nếu đạt các yêu cầu của đối tác.
Để có thể trở thành đối tác gia công vaccine, đơn vị này ngoài hệ thống dây truyền máy móc hiện đại, có kinh nghiệm sản xuất các loại Vaccine để tiêm chủng cộng đồng, hệ thống tủ giữ lạnh âm 20 độ đã được đầu tư, thì con người chủ động xử lý các công đoạn khó cũng đã được chuẩn bị rất kỹ.
Nếu tiêm đủ 2 liều vaccine Sputnik V, theo thông tin từ nhà sản xuất, khả năng bảo vệ với COVID-19 đạt trên 90%. Chính vì thế, với việc gia công được vaccine và nếu đàm phán để giữ lại cho Việt Nam, từ giờ tới cuối năm 2021, chúng ta có thêm hàng chục triệu liều vaccine phòng bệnh cho toàn dân.
Việc nguồn cung Vaccine toàn thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn nên nỗ lực để gia công được vaccine cũng đã là thành công của Việt Nam. Thậm chí, thành công trong gia công vaccine đồng nghĩa mở ra cơ hội sẽ được đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với sản lượng có thể lên tới cả trăm triệu liều một năm cho nhu cầu đang rất cần trước mắt.
Việt Nam - Cuba hợp tác sản xuất vaccine phòng COVID-19
Tiếp sau việc xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ và tiến tới sản xuất vaccine Sputnik của Nga trên lãnh thổ Việt Nam, mới đây, Bộ Y tế đã đàm phán với Cộng hòa Cuba về hợp tác sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Phía Cuba cho biết vaccine phòng COVID-19 Abdala của Cuba đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine Abdala có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của virus SARS-CoV-2. Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này.
Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn ủng hộ hợp tác nói trên và đã giao cho Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) là đơn vị đầu mối trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Abdala.
WHO hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19
Mới đây, qua trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sẽ cử các chuyên gia vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Rất nhiều nỗ lực, rất nhiều cố gắng để Việt Nam có thể tự chủ nguồn vaccine, chủ động chống dịch. Song song với đó, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán hiệu quả để có được nguồn vaccine từ cơ chế COVAX, từ sự chủ động đặt hàng các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới hay sự ủng hộ từ các nước bạn.
Cuộc chiến với đại dịch có thể sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các chiến lược, giải pháp linh hoạt, hi vọng Việt Nam sẽ sớm tạo được miễn dịch cộng đồng nhờ có trong tay chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa tự chủ vaccine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!