Trong thời gian nghỉ dài vì dịch COVID-19, nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại như bắt nạt trực tuyến, bị quấy rối khi học online, bị xúi giục tự tử, làm đau bản thân; tiếp xúc với nội dung phản giáo dục, nghiện trò chơi trực tuyến, hay bị phát tán hình ảnh nhạy cảm. Ở mỗi độ tuổi, các em có thể gặp phải những rủi ro rác khác nhau, hậu quả có thể là vô hình hay hữu hình, nhưng đều mang đến nhiều nỗi lo.
Trẻ em gặp nhiều rủi ro khi lên mạng trong mùa dịch COVID 19
Trung bình mỗi ngày, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 nhận được 100 cuộc gọi liên quan tới trẻ em, trong đó có những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng như trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Chị Lê Thị Thảo, Phó Trưởng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho biết: "Thực tế là tổng đài cũng tiếp nhận một số trường hợp các em bị xâm hại trên mạng. Ví dụ, các em có chat sex, bị đe dọa, bị yêu cầu dụ dỗ gửi các hình ảnh nhạy cảm trên cơ thể. Chúng tôi sẽ hướng dẫn và trao đổi với trẻ những kỹ năng và hướng dẫn gia đình những cách để phòng tránh xâm hại trên mạng".
Thói quen và sở thích của nhiều em nhỏ là xem các video trên Youtube, điều này dẫn đến việc trẻ dễ bị thụ động tiếp nhận các thông tin xấu độc. Đây cũng là nỗi lo của nhiều phụ huynh vì dù đã cố gắng kiểm soát việc xem Youtube của con nhưng cũng không tránh khỏi có những lỗ hổng
Càng ngày càng có muôn hình vạn trạng những hình thức xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Việc ứng biến với mỗi trường hợp là kỹ năng cần thiết đối với mỗi đứa trẻ và cả các bậc phụ huynh.
Triển khai chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025
Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, trên môi trường mạng" đặt ra mục tiêu: 100% các đơn vị trường học tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em, để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp, khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý.
Thực tế, trẻ em có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh hơn người lớn, thế nên cần xây dựng bộ kỹ năng số để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Bộ kỹ năng số bao gồm những kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận diện ra các mối nguy hiểm trên mạng và khi xảy ra sự cố, các em biết đâu là nơi mình có thể tìm đến.
Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Những kỹ năng rất đơn giản từ việc đặt mật khẩu làm sao cho phức tạp, không chia sẻ tài khoản, mật khẩu của mình với ai. Hay kỹ năng phức tạp hơn như kết nối với ai trên mạng xã hội và nhận biết những dấu hiệu mình đang là nạn nhân của một chiêu trò lừa đảo trên môi trường mạng. Cục An toàn thông tin đang phối hợp với các cơ quan của Bộ GD-ĐT xây dựng bộ kỹ năng số này với mong muốn lồng ghép vào bộ môn Tin học đang được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo".
Ngay khi chương trình được phê duyệt thì hệ thống trang web "Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" đã được khởi động. Đây là mạng lưới chính thống, mang đến công cụ hữu hiệu và thiết thực để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Chúng tôi xây dựng và tích hợp các kênh để tiếp nhận thông tin thông báo của người dân, của cha mẹ, cũng như của các em liên quan đến các nội dung, các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Những cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ hoặc cố tình vi phạm trách nhiệm bảo trẻ em trên mạng sẽ bị xử lý nghiêm và kịp thời".
Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình hướng tới "mục tiêu kép" bao gồm: Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật: các hành vi lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức.
Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi; để trẻ biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Đây là chương trình mang tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an.
Đồng hành và hỗ trợ trẻ em trở thành những "Công dân số"
Cùng với sự phát triển của công nghệ số, Việt Nam cũng đang nỗ lực cập nhật và tiệm cận với thế giới về các vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những tiêu chuẩn và giải pháp quốc tế. Thay vì coi trẻ em là đối tượng yếu thế cần được bao bọc, hãy đồng hành, hỗ trợ để trẻ trở thành những "công dân số", có kỹ năng, trách nhiệm và tiếng nói riêng của mình.
Với vai trò mới là thành viên của "Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đang hướng đến những chiến dịch nhằm hỗ trợ trẻ em trở thành "công dân số".
"Trong cả năm 2020 - 2021, chúng tôi đã tổ chức chiến dịch "Online vui - vùi COVID" để hỗ trợ cho trẻ em và gia đình có thể sử dụng Internet thông minh và an toàn theo tiêu chuẩn mà chúng tôi gọi là công dân số chuẩn. Trong thời gian tới, tMSD sẽ tổ chức những chiến dịch và cuộc thi vừa giáo dục cho học sinh liên quan tới an toàn trên môi trường mạng, vừa hỗ trợ các em để chính các em trở thành những truyền thông viên, giúp những bạn khác cũng có kiến thức để sử dụng Internet", bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết.
Mỗi gia đình sẽ có những cách khác nhau để đồng hành cùng con trên hành trình tiếp cận với công nghệ số. Hiểu và hướng dẫn trẻ đúng cách không chỉ ngăn chặn trẻ khỏi những rủi ro trên môi trường mạng mà còn giúp đỡ trẻ tận dụng được những lợi ích mà internet mang lại. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và cũng là trách nhiệm của chính các em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!