Không làm gì cũng có quà, ai đến cũng có quà, ngày nào cũng có quà và không món quà nào giống nhau. Chỉ có một điều kiện duy nhất là người được nhận quà phải là các cụ già.
Những buổi hội thảo lạ lùng đang được tổ chức tại xã Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh đang thu hút hàng nghìn người dân đến tham dự mỗi ngày. Có mục đích gì phía sau những màn tặng quà hào phóng kia?
Tái diễn tình trạng bán hàng lừa đảo tại các vùng quê
Suốt gần 1 tháng nay, làng nghề mộc truyền thống của xã Vân Hà - thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội vắng hẳn bóng người. Cả xã chỉ có một số ít thanh niên ở lại làm nghề, còn phần lớn người dân từ 50 tuổi trở lên đều bỏ hết công việc để đi dự hội thảo Hàn Quốc, được tổ chức tại xã Hương Mạc, tỉnh Bắc Ninh. Không bỏ lỡ cơ hội, sáng nào ông Tuất cũng dậy sớm đạp xe đi hội thảo, bởi cứ đi là được quà, hội thảo sâm nên cứ 5 buổi có mặt đẩy đủ là được tặng nước hồng sâm.
Chỉ những người từ 50 tuổi trở lên và có thẻ như ông Tuất mới được phép tham dự hội thảo về sâm Hàn Quốc do Công ty T&M Korea tổ chức. Một căn nhà vốn là kho chứa đồ gỗ được thuê làm địa điểm tổ chức sự kiện với đủ loại băng rôn chào mời hấp dẫn. Từ sáng sớm, hàng chục nhân viên công ty với trang phục chỉnh tề đã sẵn sàng chào đón các cụ đến dự hội thảo. Người đến dự đông như đi hội, tới 400 - 500 người.
Khoảng 8h30, áng chừng hàng trăm cụ già đã yên vị trong căn nhà kho, một thanh niên vội vã đóng cửa, móc khóa, nhốt luôn các cụ ở bên trong. Buổi hội thảo chính thức bắt đầu. Không rõ những sự kiện gì được tổ chức bên trong nhưng âm thanh náo nhiệt thì cách xa vài trăm mét cũng vẫn nghe rõ.
9h30, hội thảo kết thúc, các cụ phấn khởi ra về bởi ai đến dự cũng có quà. Không mua hàng cũng có mà mua hàng thì được quà nhiều hơn. Túi màu xanh là quà tặng của ban tổ chức, còn túi màu đỏ là sản phẩm sâm Hàn Quốc được các cụ mua từ hội thảo.
Các cụ cứ tham gia hội thảo là có quà mang về.
Đi dự hội thảo đủ 20 buổi đồng nghĩa với việc tiền đi chợ của gia đình bà Cúc tháng này giảm hẳn. Bởi mỗi ngày, ban tổ chức lại tặng một món quà khác nhau, từ đường sữa cho đến mắm muối, mì chính, mì tôm, dầu ăn, bột giặt. Thấy đi một mình lãng phí, bà Cúc còn rủ cả chồng đi theo lấy quà.
Thứ nhiều người mua là hộp sâm lát Hàn Quốc, có giá 3,6 triệu đồng, đây là sản phẩm rẻ tiền nhất trong buổi hội thảo và được nhiều người lựa chọn mua cho đỡ ngại vì đã đến lấy quà quá nhiều. Tuy nhiên, không phải ai được quà cũng dễ dàng móc hầu bao.
Thực tế, sản phẩm với nhãn mác Hàn Quốc đang được Công ty T&M Korea bán cho người dân đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định tại Việt Nam. Giá của những sản phẩm này cũng đắt hơn hàng chục lần so với mức giá của chính đơn vị này nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên, với chiêu trò tặng quà khuyến mại, lấy tiền của người này để tặng quà cho người kia, mỗi ngày vẫn có hàng trăm cụ già đến dự hội thảo, mua sâm và nhận quà miễn phí mà không biết rằng đây vốn dĩ chỉ là một hình thức lừa đảo đã xuất hiện tại khắp các làng quê từ nhiều năm nay.
Đánh vào yếu tố sức khỏe, vốn được các cụ cao tuổi quan tâm, những hộp sâm có giá cả chục triệu đồng được rao bán như một thứ thần dược. Với những màn chào mời hấp dẫn, không ít người sẵn sàng bỏ tiền ra mua nhưng cũng có những người đắn đo vì mức giá quá cao đến mức phải viết một bức tâm thư gửi cho ban tổ chức hội thảo.
Lý do vì sao những người nông dân sẵn sàng bỏ cả 1,5 tấn thóc, biết bao nhiêu mồ hôi công sức mới làm ra để đổi lấy 1 hộp sâm?
"Vị đắng" sâm Hàn
Đều đặn như mọi ngày, từ sáng sớm những nhân viên của công ty đã đứng xếp hàng trước cửa nhà kho để chào đón các cụ đến dự hội thảo. Nhưng hôm nay khác hơn một chút vì sẽ có khách quý nên từ trang phục đến tác phong đều phải chỉnh tề, ngay ngắn.
Chân dung ngài "tổng giám đốc" công ty sâm Hàn Quốc.
8h, vị "tổng giám đốc" người Hàn Quốc đã đến hội thảo, cũng chỉnh tề, ngay ngắn không kém gì những nhân viên đang xếp hàng chờ. Thông tin có lãnh đạo cấp cao đến dự đã được tuyên truyền đến từng người dân từ vài buổi trước nên ai cũng hào hứng.
Đợi cho hàng trăm người dân tề tựu đông đủ, ngài "tổng giám đốc" đến từ Hàn Quốc bắt đầu bài diễn thuyết. Các cụ cao tuổi chỉ quan tâm đến sức khỏe nên câu chuyện cũng chỉ xoay quanh việc sâm Hàn Quốc có tác dụng chữa bách bệnh ra sao.
Sau bài diễn văn bán hàng được các cụ hưởng ứng nhiệt liệt, ngài "tổng giám đốc" nhanh chóng vòng ra gian nhà phía sau, chờ nhận tiền thù lao. Rời sân khấu, chân tướng của ngài tổng giám đốc dỏm nhanh chóng bị vạch trần. Thực chất chỉ là một nhân viên bán hàng.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện phía sau sân khấu, còn bên ngoài, các cụ vẫn say sưa với các loại hồng sâm, hắc sâm thần kỳ, được ngài "tổng giám đốc" khẳng định chữa bách bệnh, lại còn giảm giá từ 12,8 xuống chỉ còn 5,8 triệu đồng.
Nếu diễn thuyết, giảm giá vẫn chưa đủ để các cụ rút ví, xuống tiền thì công ty này còn chiêu bài cuối cùng là các thí nghiệm để chứng minh chất bọt trong chai nhựa màu nâu đen có tác dụng hơn mọi loại thuốc trên thị trường.
Cũng giống nhiều người dân đến dự hội thảo, bà Cúc bị thuyết phục bởi màn trình diễn ấn tượng nên đã mua ngay 1 hộp sâm lát Hàn Quốc.
Cũng giống như tất cả các mặt hàng ở hội thảo, hộp sâm của bà Cúc không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, nghĩa là sản phẩm này không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cho con cái can ngăn, các cụ vẫn bỏ ra hàng chục triệu để mua đủ loại thần dược bồi bổ sức khỏe.
Vốn có nghề mộc truyền thống lâu đời, người dân ở các xã Vân Hà, Hương Mặc, Bắc Ninh dư dả hơn nhiều vùng quê khác. Chuyện có sẵn vài chục vài trăm triệu đối với các cụ cao tuổi trong xã không có gì lạ. Có lẽ vì vậy mà liên tiếp những buổi hội thảo bán sâm Hàn Quốc được tổ chức từ xã này đến xã khác. Sâm ngọt hay đắng, có lẽ các cụ cũng khó mà cảm nhận được nhưng có một điều chắc chắn, số tiền thu được từ những buổi hội thảo như thế không hề nhỏ.
Sản phẩm bán bị thổi giá hàng chục lần
Không những có nhiều chiêu trò để đánh lừa người dân, hàng hóa mà công ty này bán ra còn có nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Khi so sánh 2 hộp rong biển được công ty này bán cho người dân, dù hình thức bên ngoài giống hệt nhau nhưng 1 hộp gần hết hạn sử dụng nhưng hộp còn lại có hạn sử dụng tới năm 2021.
Sản phẩm sâm bị thổi giá hàng chục lần.
Tại sao 1 sản phẩm có cùng số lô, cùng mã vạch, lại có hạn sử dụng khác nhau như vậy? Nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy sản phẩm này đã có dấu hiệu bị tẩy hạn sử dụng và dập ngày mới, nét mực rất nhòe và không cùng màu, không sắc nét như sản phẩm gần hết hạn. Cơ quan chức năng xử lý như thế nào trước tình trạng này?
Phát hiện những dấu hiệu bất thường của Công ty T&M Korea, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh bất ngờ kiểm tra đột xuất địa điểm bán hàng của công ty này.
Phía sau hội trường rộng có sức chứa hàng trăm người là địa điểm cất giữ hàng hóa. Đủ loại sản phẩm có bao bì nhãn mác in chữ Hàn Quốc được tích trữ sẵn ở đây chờ bán cho người dân. Tất cả đều có một đặc điểm chung là đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Một hũ hắc sâm Hàn Quốc, được chào mời nhiều nhất tại hội thảo của công ty này, giá rao bán là 12,8 triệu đồng nhưng thực tế kiểm tra phiếu xuất kho của công ty này, giá 1 hộp 4 hũ chỉ có 2.420.000 đồng, tương đương chỉ 600.000 đồng/hũ. Bị thổi giá lên tới hàng chục lần nhưng với chiêu bài dụ dỗ ngon ngọt nên vẫn không ít người bỏ tiền ra mua.
Nhiều mặt hàng khác tại công ty này khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng xuất hiện tình trạng thổi giá tương tự. Trước hành vi này, đoàn công tác đã yêu cầu nhân viên Công ty T&M Korea phải trả lại số tiền bán chênh cho người dân.
Với những màn kịch tinh vi được đầu tư bài bản, không ít người mắc bẫy của công ty này. Dù vở diễn vẫn lặp đi lặp lại hết từ xã này đến xã khác.
Vì có đoàn kiểm tra nên hôm nay các cụ không được phát quà như mọi ngày. Những phiếu tặng quà được phát ra giờ lại bị thu hồi lại. Mỳ tôm cũng ế hàng trăm gói. Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc hàng hóa cũng như nhưng hành vi vi phạm của công ty này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!