Đến nay, đã gần 3 tháng Thông tư 14 của Bộ Y tế ra đời, thể chế hóa Nghị quyết số 30 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo đó, Thông tư này quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm nay, qua đó giúp không ít cơ sở y tế triển khai được các gói thầu mua trang thiết bị, vật tư mà trước đó không thể thực hiện được.
Ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Hải Phòng đã nhanh chóng đấu thầu mua 3 máy chẩn đoán hình ảnh và 1 hệ thống nội soi trị giá gần 100 tỷ đồng. Đồng thời đấu thầu mua linh kiện sửa chữa 1 số máy móc đã phải ngừng hoạt động gần 1 năm nay. Nguyên nhân là do những máy, linh kiện này là máy độc quyền, chuyên dụng nên thường chỉ có 1 báo giá.
Ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Hải Phòng đã nhanh chóng đấu thầu mua 3 máy chẩn đoán hình ảnh và 1 hệ thống nội soi trị giá gần 100 tỷ đồng
Đại diện các bệnh viện khẳng định, Thông tư 14 đã tạo hành lang pháp lý trong việc đấu thầu, mua sắm và không còn lo lắng khi triển khai. Các bệnh viện như được cởi trói để chủ động mua sắm, đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở của mình. Quan trọng nhất là sự thông thoáng, tính tự chủ là đã thấy được.
Thế nhưng mới đây Bộ Y tế lại phải ra công điện yêu cầu các bệnh viện tăng cường năng lực, hiệu quả công tác đấu thầu, đề cập đến tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra".
Thực tế vẫn có nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thể đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế độc quyền và hiếm. Một số bệnh viện cũng đề xuất nên kéo dài thông tư 14 thêm 6 đến 12 tháng, vì với gói thầu lớn lên tới hàng trăm tỷ sẽ gặp khó khăn.
Theo khẳng định của Bộ Y tế, với 12.500 giấy phép nhập khẩu đến 31/12/2024 mới hết hạn và 50.000 thiết bị được cấp phép mới, gia hạn.
Như vậy có thể thấy sự đắn đo của các bệnh viện xuất phát từ 2 vấn đề đó là làm sao mua hàng hóa với giá hợp lý và cũng phải mua được hàng hóa đạt chất lượng mình muốn, chọn hàng hóa tốt từ hồ sơ thầu mà không vi phạm.
Theo Thông tư 14, các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc lấy báo giá để xây dựng giá gói thầu. Các bệnh viện băn khoăn làm sao xác định giá đúng khi mua sắm thiết bị y tế, bởi không biết giá mua sắm được căn cứ trên tiêu chí nào trong khi nhiều vụ việc mua sắm, định giá thiết bị y tế trong bệnh viện được cơ quan chức năng xác định cao hơn giá trị thực.
Nghị quyết 30 của Chính phủ, sau đó là Thông tư 14 của Bộ Y tế được triển khai thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt trong tình thế đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cấp bách của người dân.
Hiện Bộ Y tế cũng đang gấp rút sửa đổi các thông tư hướng dẫn, soạn thảo và trình Chính phủ sửa đội Nghị định liên quan nhằm luật hóa các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với thời điểm Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm sau.
Vấn đề còn lại là các cơ sở y tế, bệnh viện cần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm… trên hết đó là trách nhiệm với chính tính mạng, sức khỏe người dân.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Lê Thành Công, Phó Cục trưởng, Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!