Những quảng cáo "kiểu nhà tôi ba đời chữa khỏi...” tràn lan trên MXH YouTube.
Với tần suất xuất hiện dày đặc, những video với nội dung như "nhà tôi ba đời chữa khỏi...", "nhà tôi ba đời bán thuốc..." để quảng cáo cho những loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang dần "lấn lướt" các nội dung quảng cáo thông thường trên mạng xã hội YouTube. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp cả tin, tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
Quảng cáo nhảm, hậu quả thật
Mới đây, một trường hợp ở Hà Nội, vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi đã tự mua thuốc nam về uống vì tin có hiệu quả. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng vọt nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới TW.
Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới TW do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVCC
Đáng chú ý, đây không phải là trường cá biệt, theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới TW, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo các quảng cáo trên YouTube bán thuốc gia truyền "3 đời" chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hóa khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai... nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai hoạ... Điển hình các triệu chứng gặp phải khi sử dụng các loại thuốc này như men gan tăng cao, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có trường hợp bệnh nhân suýt ngừng tim, nguy hiểm đến tính mạng.
Trong những tháng gần đây, những video quảng cáo kiểu này đã bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên YouTube, được đan cài vào hầu hết các video, với tần suất xuất hiện dày đặc, khiến nhiều người xem YouTube không khỏi ngán ngẩm.
"Tôi có con nhỏ, hay mở YouTube cho cháu xem, nhưng cứ hễ 5-10 phút thì lại xuất hiện các video quảng cáo nhảm nhí, "nhà tôi 3 đời chữa bách bệnh", "hoàn tiền nếu không khỏi"... Tôi phải liên tục chuyển tiếp các quảng cáo này, nghe liên tục sinh ra cảm giác ám ảnh", chị Trần Phương Mai (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Thử liên hệ với một số điện thoại trên video quảng cáo "nhà tôi 3 đời chữa bệnh xương khớp", phóng viên được một người phụ nữ tự giới thiệu là đang ở Hà Giang, người này tư vấn rất nhiệt tình, luôn miệng quảng cáo về nguồn gốc, xuất xứ của các loại thuốc nam, được chế biến theo quy trình.
"Thuốc này được trồng trong vườn nhà, sau khi phơi khô thì sẽ chính thầy lang là người trong nhà cắt thuốc. Cháu cứ yên tâm, cứ sử dụng 10 thang thuốc liên tục sẽ trị dứt điểm vụ đau lưng, đau vai gáy. Rất nhiều bạn trẻ cũng đã uống thuốc và khỏi", người phụ nữ nói qua điện thoại.
Thủ đoạn hơn, khi phóng viên đặt vấn đề không thể đến Hà Giang khám, bốc thuốc thì người này nhanh miệng chiêu trò chuyển khoản trước, sau đó thuốc sẽ được gửi đến đúng địa chỉ, không cần qua thăm khám gì.
Từ những chiêu trò "bắt bệnh" qua điện thoại như thế, mà nhiều người vẫn sơ hở tin vào sử dụng, hậu quả là tiền mất, tật mang.
YouTube có đang vi phạm chính sách?
Theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Và tại Việt Nam, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo.
Google có chính sách siết chặt với các quảng cáo liên quan đến thuốc nhưng những video quảng cáo thuốc nhảm nhí vẫn nhan nhản trên YouTube Việt Nam.
"Nếu phát hiện thấy các lỗi vi phạm chính sách này, chúng tôi sẽ tạm ngưng tài khoản Google Ads của bạn ngay khi phát hiện và không có cảnh báo trước, đồng thời bạn sẽ không được phép quảng cáo với chúng tôi nữa", chính sách Google viết.
Nhưng trên thực tế, suốt nhiều tháng, nội dung quảng cáo thuốc đông y vẫn tồn tại nhan nhản trên ứng dụng YouTube từ tivi, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt.
"Một số đơn vị hiện nay, khi nắm được chính sách của Google, YouTube là siết chặt các quảng cáo có nội dung liên quan về thuốc, từ đó đã lách luật bằng cách khi khai báo thông tin thì sẽ không khai báo là thuốc, mà thay vào đó là thực phẩm chức năng, sản phẩm đông y... để tiếp cận một lượng lớn người dùng của YouTube", chuyên gia Ngô Trần Vũ - Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn cho biết.
Theo đó, Google có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Tuy nhiên, hiện tại các quảng cáo đang gây khó chịu cho người dùng Việt lại hướng đến các bài thuốc gia truyền, đông y... khiến thuật toán của Google khó phát hiện.
Không chỉ áp đảo về tần suất xuất hiện, hiện nay các video quảng cáo này còn mạo danh các nhà đài, kênh thông tin chính thống bằng cách cắt ghép nội dung, thêm logo nhà đài nhằm tăng độ uy tín hoặc lồng ghép những phỏng vấn của chuyên gia y khoa lẫn người đã chữa bệnh và khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những "nhân vật" được các đối tượng thuê mướn để "diễn xuất - phát biểu" đánh lừa người xem.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!