Từ 31/12/2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, lao động thuộc 8 ngành gồm: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch được quyền di chuyển tìm việc làm trong 10 nước ASEAN thông qua các thoả thuận công nhận tay nghề tương đương. Những ngành nghề này tuy chiếm 1,5% lực lượng lao động ASEAN, nhưng cũng gia tăng áp lực không nhỏ cho các quốc gia như Việt Nam khi nước ta xuất khẩu lao động phổ thông, lại thiếu lao động tay nghề cao trong một số ngành được dịch chuyển.
Đánh giá về chất lượng nguồn lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Trình độ lao động Việt Nam qua đào tạo so với một số nước trong khu vực còn thấp hơn; kĩ năng nghề của lao động Việt Nam so với các nước xung quanh cũng thấp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Trong quá trình hội nhập các nước đều có yêu cầu về tiêu chuẩn kĩ thuật cao. Chính vì vậy, để lao động Việt Nam tiếp cận với 8 nghề mà ASEAN đã đồng thuận chung một thị trường, người lao động Việt Nam phải có cố gắng rất nhiều trong một số lĩnh vực”.
Cũng theo bà Phạm Thị Hải Chuyền để thích ứng được với yêu cầu cao của ASEAN, phải làm cho người lao động hiểu được yêu cầu rất cao của thị trường ASEAN; giúp cho người lao động có trình độ cao bằng cách ngoài đào tạo chuyên môn, hỗ trợ người lao động đào tạo kĩ năng, kĩ luật lao động cũng như khả năng ngoại ngữ và để đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật cao của các nước ASEAN, Việt Nam cũng cần đầu tư vào những nghề trọng điểm, những nghề có yêu cầu kĩ thuật cao.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết cuộc trao đổi của PV VTV với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền qua VIDEO trên!