Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế vừa công bố Chuẩn mực đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, gọi tắt là SRP.
Việt Nam đã được lựa chọn để trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện thí điểm bộ tiêu chí này. Nếu triển khai thành công, đây sẽ là công cụ giúp nâng cao thương hiệu hạt gạo Việt Nam với thế giới.
Canh tác lúa tiêu tốn 30-40% lượng nước ngọt của thế giới. 5% lượng khí thải nhà kính cũng bắt nguồn từ việc trồng lúa. Thời gian tới, tất cả các quốc gia sản xuất lúa gạo sẽ phải chuyển sang mô hình canh tác bền vững, vẫn duy trì năng suất mà không làm huỷ hoại tài nguyên đất, nước, môi trường.
Việt Nam cùng với 8 quốc gia khác đã được chọn thí điểm thực hiện Bộ chuẩn mực đầu tiên của thế giới về canh tác lúa bền vững này. Để được chứng nhận đạt chuẩn SRP, vùng trồng lúa phải thoả mãn 46 yêu cầu chặt chẽ về năng suất, an toàn thực phẩm và đa dạng sinh học.
Theo các nhà nghiên cứu, ở Thái Lan, Indonesia, Campuchia hay Ấn Độ để đạt được chứng nhận bền vững RSP, các doanh nghiệp thường phải mất từ 2-3 năm nhưng với Việt Nam có thể chỉ cần khoảng 6 tháng.
Đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam dựa trên 3 nhóm: Phát triển thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu gạo địa phương và thương hiệu gạo doanh nghiệp. Trong khi chờ đợi sự ra đời của thương hiệu gạo quốc gia, doanh nghiệp có thể tự xây dựng thương hiệu như việc gia nhập vào một tổ chức lúa gạo lớn của quốc tế, cùng với cam kết tuân thủ chuẩn mực chung toàn cầu về sản xuất lúa gạo bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.