Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tích cực trong 40 năm qua
Việt Nam đã sẵn sàng để bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước tại Geneve, Thụy Sĩ vào tuần sau.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc CERD là 1 trong 9 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về nhân quyền.
Công ước CERD khẳng định: "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào".
Việt Nam ký tham gia Công ước này năm 1982 và kể từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012.
Đoàn công tác do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn tại Ủy ban Công ước
Điều này cho thấy những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới…
Tròn 1 tuần nữa, đoàn đại biểu của Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo CERD lần thứ 5 tại kỳ họp thứ 111 của Uỷ ban Công ước tại Geneve, Thụy Sĩ.
Đã hơn 40 năm kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước CERD. Hơn 40 năm qua, rõ ràng là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, so với sự phát triển của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiếu số vẫn là vùng chậm phát triển nhất.
Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách 998.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.
Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình Mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115.000 tỷ đồng để thực hiện 10 Dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn tại một số địa phương vẫn còn khó khăn.
Phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn phải chịu bất bình đẳng "kép"
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 trên phạm vi toàn quốc cho thấy: Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số hộ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, chiếm gần 22%.
Có thể thấy sự phân hóa thu nhập, chênh lệch giàu - nghèo giữa miền núi và miền xuôi, giữa các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều nơi còn phải chịu bất bình đẳng "kép", từ gia đình đến ngoài xã hội do nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ.
Trình độ dân trí và học vấn còn thấp so với mặt bằng chung chính là nguyên nhân căn bản khiến cho nhiều vùng dân tộc thiếu số chậm phát triển, năng suất lao động và thu nhập thấp; năng lực hấp thụ các nguồn lực giúp đỡ từ bên ngoài vào các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Chính vì thế, thay đổi nhận thức cho bà con là điều rất quan trọng. Người phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ được trao quyền, mà còn được chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là khi mang thai và sinh nở.
Đơn cử tại Gia Lai, trước đây có hủ tục là toàn bộ phụ nữ dân tộc phải tự sinh con tại nhà, và không được vào nhà khi chưa cúng Giàng. Thì giờ đây, đã có tới hơn 93% phụ nữ sinh con có cán bộ kỹ năng đỡ đẻ.
100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân tộc thiểu số không ngừng nâng cao. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội Quốc hội khóa 15 có 89 trên tổng số 499 đại biểu, nhiều nhất so với 4 khóa trước.
Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số.
Mặt bằng dân trí của đồng bào được nâng lên, mức hưởng thụ các dịch vụ về y tế, văn hóa, xã hội ngày càng tốt hơn.
Làm thế nào để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn, đến tận những bản làng xa xôi nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn phải là chủ thể thực thi.
Thứ trưởng Y Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc sẽ là trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam sang bảo vệ Báo cáo CERD 5 đã cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!