Viết tiếp tương lai cho những số phận động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Phương Anh-Thứ hai, ngày 29/07/2024 17:47 GMT+7

VTV.vn - Hành trình hàn gắn vết thương và đưa các loài động vật hoang dã về môi trường tự nhiên cũng như công tác bảo tồn chúng là con đường còn nhiều chông gai.

Nỗi đau không nói được thành lời

Được mệnh danh là “ngôi nhà thứ hai” của các loài động vật hoang dã, kể từ đầu năm đến ngày 31/5/2024, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiếp nhận, cứu hộ 45 đợt với 189 cá thể động của 34 loài động vật hoang dã. Đặc biệt, Trung tâm đã giúp các cá thể sinh sản được 203 con cũng như thực hiện tái thả 9 đợt với số lượng 102 cá thể sau cứu hộ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cá thể đều may mắn được trở về ngôi nhà thiên nhiên của mình. Có những số phận đáng thương phải chịu cảnh “giam cầm” suốt đời do vết thương quá nặng nề hoặc do đã mất đi khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Những cá thể này phải sống trong điều kiện nhân tạo, thiếu vắng sự tự do và bản năng hoang dã của mình.

Có dịp được đến thăm Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và tê tê thuộc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), nằm trong Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), tôi được nghe anh Phạm Phú Cường - cán bộ vườn chia sẻ một câu chuyện chạm tới lòng trắc ẩn của người nghe về quá trình giải cứu một cá thể tê tê mang trong mình 14 viên đạn.

Cá thể tê tê này đã trải qua một cuộc phiêu lưu trong tay những kẻ buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Điện Biên trước khi được cứu trợ. Ngay khi được chuyển về SVW, tê tê được kiểm tra sức khỏe và phát hiện có nhiều vẩy bị vỡ, 1 viên đạn chì được gắp bỏ lộ bên ngoài. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện trên mình tê tê vẫn còn 13 viên đạn chì khác. Việc phẫu thuật để lấy hết số đạn này rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì vậy tê tê được giữ nguyên và theo dõi tình trạng sức khỏe một cách cẩn thận. Tận mắt chứng kiến sự đau đớn tột cùng ấy ta mới “thấu” được sự tàn nhẫn của nạn săn bắn trái phép. Lẽ thường, sau khi được chăm sóc khoảng 2 tháng, các cá thể tê tê được cứu hộ sẽ được thả về rừng, tuy nhiên cá thể này vẫn còn găm trên mình 13 viên đạn nên Trung tâm đã quyết định giữ lại để chăm sóc trọn đời, trở thành một "đại sứ" đặc biệt của Vườn quốc gia Cúc Phương.

Viết tiếp tương lai cho những số phận động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh 1.

“Đại sứ” tê tê Vườn quốc gia Cúc Phương găm trong mình 13 viên đạn, vĩnh viễn không thể trở về với tự nhiên. Ảnh: (Save Vietnam's Wildlife - Cao Minh Ngọc.)

Ngược dòng thời gian về năm 2018, trong một cuộc truy quét lớn tại tỉnh Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã phá vỡ một ổ buôn bán ma túy do một ông trùm khét tiếng điều hành. Trong số những vật phẩm bị thu giữ, người ta phát hiện một con vượn đen má trắng bị nuôi nhốt làm thú cưng, chúng được coi như những món hàng xa xỉ, biểu tượng của quyền lực và sự giàu có. Cuộc giải cứu đặc biệt này không chỉ lật mặt “thú vui bệnh hoạn" của những kẻ tội phạm, mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã.

Cá thể vượn đen má trắng này sau khi thoát nạn đã được đưa về Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Tại đây, các nhân viên cứu hộ đã đặt tên cho nó là Mafia, không chỉ để kỷ niệm cuộc giải cứu đầy gian truân đó mà còn để nhắc nhở về nguồn gốc đặc biệt của nó. Trở về với “ngôi nhà thứ hai” tại Thủ đô bảo tồn - Vườn Quốc gia Cúc Phương, nơi không còn sự đe dọa và tù đày, Mafia đã được các nhân viên cứu hộ tận tâm chăm sóc. Sau khi trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế, các bác sĩ thú y phát hiện Mafia mắc bệnh viêm gan B, là căn bệnh truyền nhiễm và nguy hiểm, khiến nó mãi mãi không thể trở về với rừng tự nhiên bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các loài động vật khác. Do đó, quyết định nuôi dưỡng Mafia tại trung tâm suốt đời là một lựa chọn cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái và sự an toàn của những loài động vật hoang dã khác.

Hai cá thể mang hai số phận khác nhau nhưng cùng chung một tương lai là vĩnh viễn không thể trở về xứ đại ngàn. Sự tàn độc của con người đã khiến chúng mãi mãi xa rời ngôi nhà thực sự của mình. Tê tê găm trên mình 13 viên đạn hay vượn Mafia chỉ là một trong số rất ít những nạn nhân của những kẻ “khát thịt”, còn rất nhiều cá thể động vật hoang dã khác cũng đã và đang phải chịu đựng số phận bi thảm tương tự.

Trở về nhà

Trong mắt các loài động vật hoang dã, rừng xanh là ngôi nhà kỳ diệu và thiêng liêng, là nơi “chôn rau cắt rốn” của chúng. Mỗi góc rừng, mỗi tán cây đều có vai trò quan trọng để bao bọc mỗi cá thể trong nó. Thế nhưng, sự xâm nhập trái phép của con người đã làm cho ngôi nhà ấy mất đi sự yên bình như vốn có. Cũng vì lòng tham vô đáy, sự ích kỷ tận cùng đã “cướp” đi nhiều “thành viên” trong ngôi nhà hoang dã, để rồi “nhà” không còn là “nhà”. Con người chúng ta có quyền được mưu cầu hạnh phúc, phải chăng các loài động vật hoang dã cũng nên có quyền cầu mong một cuộc sống yên bình trong vòng tay mẹ thiên nhiên? Hạnh phúc của chúng đơn giản chỉ là được trở về mái nhà đại ngàn của chính mình.

Viết tiếp tương lai cho những số phận động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh 2.

Khoảnh khắc những loài động vật hoang dã được tái thả về với thiên nhiên. (Ảnh: VQG Cúc Phương)

Tính đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiến hành hàng trăm đợt tái thả, đưa hàng ngàn cá thể thuộc nhiều loài động vật khác nhau trở về môi trường tự nhiên. Các hoạt động này không chỉ diễn ra tại rừng nguyên sinh Cúc Phương mà còn tại nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp cả nước.

Việc đưa các loài động vật hoang dã trở về môi trường tự nhiên sau thời gian bị nuôi nhốt hoặc cứu hộ là mục tiêu cao cả và quan trọng nhất của công tác bảo tồn. Mỗi đợt tái thả mang lại sự tự do cho động vật đồng thời khơi dậy nhiều cảm xúc đẹp đẽ trong lòng những người chứng kiến. Được triển khai từ năm 2021, đây là lần đầu tiên mà một đơn vị bảo tồn tổ chức hoạt động tái thả động vật với sự tham gia của du khách. Bất cứ ai được chứng kiến khoảnh khắc các loài động vật hoang dã được tái thả “về nhà” sẽ không khỏi xúc động và thêm yêu quý thiên nhiên cũng như động vật hoang dã. Mỗi người có thể sẽ trở thành "đại sứ" giúp Cúc Phương lan tỏa thông điệp bảo tồn mạnh mẽ hơn.

Không để ai đơn độc trên hành trình cứu hộ ĐVHD

Trên hành trình bảo vệ động vật hoang dã luôn in đậm dấu chân không ngừng nghỉ của những người làm công tác bảo tồn. Không chung quốc tịch, tuổi tác, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính nhưng họ đều chung một lý tưởng và tình yêu với muôn loài.

Tiến sĩ người Đức Tilo Nadler đã dành hơn 30 năm cuộc đời mình để cống hiến cho việc bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Tilo đã đặt chân tới rất nhiều nơi, thế nhưng, Việt Nam lại là trạm dừng chân lâu nhất trong cuộc đời lang thang cùng thiên nhiên của ông.

Đến nay dù đã ngoài 80 tuổi nhưng người đàn ông này vẫn chưa có ý định “nghỉ ngơi”. Ông là người sáng lập Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương (EPRC). Suốt 30 năm với vô vàn những thành quả mang tầm kỷ lục Việt Nam và thế giới, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Bằng khen, được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba,... Không khó để ta tìm thấy những bài báo viết về TS. Tilo Nadler, người được mệnh danh là “hiệp sĩ của rừng già Việt Nam”, “linh trưởng chúa”, “khắc tinh của lâm tặc”. Phải chăng cuộc đời “khác người” của ông đã “cuốn hút” nhiều người và trong đó có cả người viết nên những dòng chữ này.

Vốn là một thạc sĩ chuyên ngành điện lạnh, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt dành cho động vật hoang dã, đặc biệt là loài voọc, Tilo đã quyết định xin làm cộng tác viên cho Hội Động vật Frankfurt - một trong những tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất thế giới hoạt động tại 30 quốc gia. Thông qua công việc này, Tilo đã có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về động vật hoang dã. Từ đó, mầm tình yêu với động vật hoang dã ngày một lớn dần và đã trở thành động lực chính thúc đẩy ông theo đuổi sự nghiệp bảo tồn và trở thành một chuyên gia hàng đầu về linh trưởng.

Ông Tilo từng chia sẻ: “Tôi nhận ra làm bảo tồn không chỉ sống với động vật tuyệt đẹp hay những cánh rừng thanh bình mà vượt qua nhiều chông gai cũng là một phần tất yếu của hành trình".

Tilo dành tình thương cho voọc như chăm con mọn. Ông có thể đi tuần tra rừng 3 - 4 đêm mỗi tuần, hằng ngày thức khuya dậy sớm để chăm sóc voọc, có thể đứng giữa trời nắng mà bẻ lá che cho một con voọc bị thương, thậm chí ông có thể lội vào rừng tóm cổ những kẻ sát rừng và diệt chủng muôn loài. Không chỉ vậy, ông Tilo còn sẵn sàng đấu tranh, thành thật với chính mình, dám phanh phui bộ mặt không mấy tốt đẹp của cán bộ vi phạm công tác bảo tồn. Đối với ông, những điều này không tính là khó khăn mà đó là sự may mắn khi được dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn. Tuy không mang quốc tịch Việt Nam nhưng Việt Nam nói chung và Vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng lại “quyến rũ” ông đến lạ kỳ.

Viết tiếp tương lai cho những số phận động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh 3.

Tê tê trong vòng tay yêu thương của anh Nguyễn Văn Thái. (Ảnh: Save Vietnam's Wildlife)

Được mọi người gọi với cái tên hoang dã - Thái “tê tê”, anh Nguyễn Văn Thái là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife SVW). Anh là công dân duy nhất của Việt Nam và châu Á trở thành một trong 6 công dân trên toàn thế giới được nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - (Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường còn được gọi là “Nobel Xanh”). Anh Thái cũng là người Việt Nam đầu tiên đã mang về giải thưởng "Future For Nature" dành cho những người trẻ (dưới 35 tuổi) có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã thế giới.

Dù có cho mình những giải thưởng danh giá nhưng với người đàn ông sinh năm 1982 này dường như chẳng bao phủ bởi ánh hào quang, vẫn chỉ là bóng hình âm thầm lặng lẽ với một trái tim đau đáu hướng về rừng, “ăn nằm” cùng tê tê và vẫn miệt mài giải cứu loài vật này cùng với rất nhiều loài động vật hoang dã khác. Anh Thái đã thẳng tay “ném” vào rừng không một chút do dự tổng số tiền trị giá hơn 6 tỷ đồng nhận được từ các giải thưởng.

Quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam vào năm 2014 và dốc toàn lực để cứu hộ và bảo vệ tê tê đối với anh Thái là một sự lựa chọn đầy mạo hiểm. Bởi vốn dĩ tê tê là loài vật “hiền nhưng cũng khó”, khó thích nghi và dễ căng thẳng, bệnh tật và có thể là mất đi. Ngoài ra, việc cung cấp đủ lượng kiến và mối để làm thức ăn cho tê tê trong khu cứu hộ cũng là một thách thức lớn. Do vậy, rất ít vườn thú trên thế giới có thể “chiều chuộng” loài động vật này. Tại châu Á, trung tâm của anh Thái đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc cứu hộ và chăm sóc tê tê.

Anh Thái cho hay, từ năm 2014 đến năm 2024 đã có 1.707 cá thể tê tê được cứu hộ khỏi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Với anh, những con số này không quá lớn nhưng đó là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của anh và đồng đội trong việc phục hồi loài vật quý hiếm này. Những khó khăn, hiểm nguy trong hành trình một thập kỷ là không thể tránh khỏi. Anh cùng đồng đội lúc vào vai người mua, lúc vào vai người đi săn để trực tiếp thâm nhập vào những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép.

“Không ít lần tôi nhận được những tin nhắn dọa dẫm, cảnh cáo và cũng không ít lần bị săn đuổi.” - Anh Thái tâm sự. Nhưng điều đó cũng không thể khuất phục được ý chí và mục tiêu cao cả của anh.

Anh Nguyễn Văn Thái hay TS. Tilo Nadler là một phần phản chiếu của tấm gương khổng lồ về những người ngoài kia đang thầm lặng làm công tác bảo tồn động vật hoang dã. Họ có thể là những nhà khoa học tận tụy với nghiên cứu, những cán bộ kiểm lâm nhiệt huyết với sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên, những bác sĩ “chữa lành” những vết thương còn đang chảy máu hay những nhà báo, phóng viên dũng cảm dấn thân lật mặt tội ác. Thậm chí họ có thể là những tình nguyện viên trẻ tuổi không quản ngại khó khăn, những người dân địa phương với lòng yêu mến và trân trọng môi trường sống của mình. Dù bất kể họ là ai, bất kể ngành nghề gì thì tất cả đều chung một mục tiêu bảo vệ và duy trì sự sống cho các loài động vật hoang dã.

Hạnh phúc của các loài động vật hoang dã là được trở về nhà, trở về môi trường tự nhiên. Còn hạnh phúc của những người làm công tác bảo tồn là được chứng kiến khoảnh khắc ghi nhận những nỗ lực mang lại sự sống và tự do cho các loài động vật hoang dã. Hãy biến tình yêu và lòng nhân ái thành hành động thiết thực, cùng nhau xây dựng một thế giới mà con người, thiên nhiên và động vật được đối xử bình đẳng, cùng tồn tại và phát triển bền vững, hướng đến tương lai tốt đẹp.

Viết tiếp tương lai cho những số phận động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh 4.

"Nữ hoàng linh trưởng voọc chà vá chân nâu đang được ở trong hoang dã hoàn toàn. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước