Xâm phạm quyền về đời sống riêng tư bị xử phạt như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 06/11/2023 20:03 GMT+7

VTV.vn - Khung hình phạt cao nhất đối với tội xâm phạm quyền về đời sống riêng tư là 3 năm tù giam.

Xâm phạm quyền đối với bí mật đời tư trên mạng xã hội

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc dễ dàng tiếp cận Internet, cộng với việc thiết bị điện tử cầm tay có chức năng ghi hình, chụp hình, ghi âm... giá rẻ, khiến hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mọi người trở nên dễ dàng hơn xưa.

Chuyện đời sống riêng tư, gia đình của người nổi tiếng, hay của bất kỳ ai cũng thu hút sự tò mò, thích thú của nhiều người trên không gian mạng. Đơn cử như sự việc một ca sỹ nổi tiếng của Hàn Quốc đến du lịch Việt Nam gần đây, bị ghi hình khi chưa cho phép và bị phát tán trên mạng, một lần nữa làm nóng câu chuyện xâm phạm quyền đối với bí mật đời tư trên mạng xã hội.

Lisa - thành viên nhóm nhạc Black Pinkđã bị một cửa hàng thời trang đưa video, bao gồm cả hóa đơn mua sắm quần áo lên mạng. Bài đăng ngay lập tức nhận về hàng nghìn lượt tương tác. Một số người hâm mộ tỏ ra háo hức khi nữ thần tượng chọn Việt Nam là điểm dừng chân, số khác cho rằng, cửa hàng không bảo mật thông tin của khách, xâm phạm quyền riêng tư của Lisa. Trước phản ứng từ dư luận, cửa hàng này đã xóa bài viết trên fanpage.

Em Mai Trang - người hâm mộ cho biết: "Cộng đồng người hâm mộ Lisa trên thế giới đã lên tiếng về hành động này và kêu gọi bảo vệ quyền riêng tư cho Lisa".

Xâm phạm quyền về đời sống riêng tư bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.
Xâm phạm quyền về đời sống riêng tư bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 2.

Việc xâm phạm quyền riêng tư đang diễn ra công khai trên các nền tảng mạng xã hội, với các hội nhóm có tên "hóng hớt" "bóc phốt" giới giải trí... thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Những người nổi tiếng trở thành đối tượng bị săn lùng thông tin.

Ví như chuyện tình của một diễn viên đã được cộng đồng mạng quan tâm đến mức thành lập riêng hội nhóm với 10.000 thành viên, xây dựng cả các tập phim để bàn luận, đa phần là mỉa mai, chỉ trích.

Hay chuyện tình và tin đồn con rơi của một nam ca sỹ được chia nhỏ thành nhiều bài khác nhau để đăng tải, mô tả và điều tra tỉ mỉ, không cần biết nhân vật chính của câu chuyện đó có đồng ý hay không.

Diễn viên Thu Quỳnh gần đây nhất đã phải lên tiếng về việc bị soi mói đời tư trên facebook, thậm chí bị đặt điều.

Giới giải trí là mục tiêu xâm phạm đời tư đã đành, trong những hội nhóm kín, chuyện đời tư của cả những người không hoạt động trong lĩnh vực giải trí cũng bị mang ra bàn luận và nhanh chóng thu hút lượt tương tác khổng lồ. Nạn nhân bị xâm hại quyền riêng tư càng vùng vẫy, các hội nhóm càng sôi động.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok, Facebook và Youtube nhiều nhất thế giới. Sức mạnh thông tin từ mạng xã hội đang chi phối đời sống của nhiều người, trong đó có nhiều tác động tiêu cực.

Mức xử phạt xâm phạm quyền về đời sống riêng tư

Không ít người cho rằng mạng xã hội là môi trường "ảo" nên có thể tự do phát ngôn, tự do đưa những hình ảnh, thông tin cá nhân đời tư người khác lên mạng mà không phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc tung tin thất thiệt, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi vi phạm pháp luật.

Khung hình phạt cao nhất đối với tội xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, đăng tải thông tin riêng tư cá nhân của người khác lên các trang mạng xã hội mà không xin phép là 3 năm tù giam.

Các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng khi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trách nhiệm chia sẻ thông tin

Việc đào sâu thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình gây ra những tổn thương sâu sắc về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị xâm hại.

Không ít vụ việc đã làm nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, tiêu cực, thậm chí tìm tới cái chết. Nguy hại hơn, thành vi này cổ súy cho lối sống soi mói đời tư, thói quen tọc mạch, cách ứng xử thiếu tôn trọng, sẵn sàng chà đạp danh dự người khác chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ và tò mò.

Tôn trọng quyền con người về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mỗi cá nhân là một trong những biểu hiện của xã hội văn minh. Khi đó, mọi người có thể bộc lộ bản thân, sống cởi mở, chan hòa, phát huy năng lực, sở trường của mình.

Ngoài ra, những khuôn khổ pháp luật về ứng xử, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đang ngày càng hoàn thiện. Đây là cơ sở để xử phạt thích đáng cho những ai xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Bảo vệ quyền riêng tư trên mạng xã hội Bảo vệ quyền riêng tư trên mạng xã hội

VTV.vn - Ai cũng có thể trở thành nạn nhân, nếu như người dùng mạng không cẩn trọng trước khi ấn nút chia sẻ hình ảnh, thông tin hay bình luận của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước