Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam

Thanh Phong, Văn Cường-Thứ tư, ngày 29/03/2023 13:22 GMT+7

VTV.vn - Yếu tố địa chất bất thường tại hầm núi Vung đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự kiến vào Quý 3 năm 2024, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình thi công đường hầm xuyên núi Vung, đơn vị thi công đã phát hiện nền địa chất trong hầm rất yếu, khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu.

Theo kế hoạch, hết tháng 3/2023, đường hầm phía Nam núi Vung thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận sẽ thông hầm. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã phát hiện nền địa chất trong hầm rất yếu, nguy cơ sạt lở rất cao. Vì vậy, các công nhân phải gia cố chống đỡ, việc này mất thêm nhiều thời gian, khiến công trình có nguy cơ chậm tiến độ.

Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.
Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Hầm núi Vung có chiều dài 2,25 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng 14m. Đây sẽ là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giao thông - Vận tải với chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, thời gian hoàn thành hạng mục hầm núi Vung là cuối tháng 3/2024.

Với mốc tiến độ này, đơn vị thi công đã tổ chức thi công 3 ca, đào từ 2 đầu phía Bắc và phía Nam với tốc độ đào trung bình 2 - 4m/ngày. Tuy nhiên, cuối tháng 12/2022, trong quá trình triển khai mũi đào hầm phía Nam, các công nhân phát hiện tình trạng địa chất yếu, xuất hiện hiện tượng nước và cát chảy và địa chất rất rời rạc, khác với với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu.

Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 3.
Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 4.
Xử lý địa chất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 5.

Để khắc phục tạm thời yếu tố địa chất phức tạp này, đơn vị thi công đã phải áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên, đồng thời kết hợp với đổ vòm ngược, chống đỡ tạm thời kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng thường xuyên 2h/lần đo, thời gian thi công 24/7.

Hiện nay, mũi đào hầm phía Bắc đã đào được hơn 1.600m, trong khi mũi đào hầm phía Nam mới chỉ đạt 300m do gặp địa chất yếu. Chủ đầu tư đang kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật lập hồ sơ điều chỉnh và đưa ra phương án toàn diện cho việc khai thác địa chất hướng nam hầm núi Vung để đưa ra giải pháp chống đỡ phù hợp hơn so với phương án thiết kế ban đầu để tiết giảm thời gian và chi phí phát sinh, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm quốc gia này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước