Hậu quả của tin giả, vu khống, phỉ báng, livestream để nói sai sự thật và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hay lừa đảo kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hiện nay, tình trạng này đang trở thành mối đe dọa lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
Hiện có hơn 76 triệu tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam, với bốn mạng xã hội lớn như Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok
Những tồn tại này có nguyên nhân không nhỏ từ việc ở nước ta còn thiếu hành lang pháp lý, những quy định pháp luật hiện hành không theo kịp sự phát triển của xã hội và các vấn đề mới phát sinh. Mới đây, Chính phủ đã vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, thay thế cho Nghị định 72 đã ban hành hơn 10 năm trước. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng. Một trong những quy định mới và quan trọng nhất sẽ tác động tới hàng chục triệu người dùng, là tất cả các tài khoản trên mạng xã hội đều phải được xác thực bằng danh tính thực.
"Định danh là việc xác định danh tính của một tài khoản gắn với một người. Có nhiều cấp độ định danh, định danh cấp độ cao nhất là định danh bằng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Nhưng ở mạng xã hội, chúng tôi lựa chọn định danh ở mức độ vừa phải, thông qua số điện thoại di động. Việc định danh bằng số điện thoại vừa giúp nhà nước có thể xác định được chủ sở hữu tài khoản, cũng là một yêu cầu nhẹ nhàng hơn so với định danh bằng căn cước công dân", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đơn vị chủ trì tham mưu xây dựng Nghị định 147 cho biết.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết những điểm mới trong Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng
Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng quy định rõ về việc ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung xấu, độc hại trên nền tảng của mình. Đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, quy trình xử lý nội dung vi phạm pháp luật được quy định như sau: Đối với các nội dung vi phạm phải được gỡ bỏ chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc 48 giờ kể từ khi có khiếu nại có căn cứ từ người dùng dịch vụ; Đối với tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm, đơn cử như trong 30 ngày có ít nhất 5 lần vi phạm hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần vi phạm, sẽ bị khóa tạm thời từ 7 đến 30 ngày tùy theo mức độ; Đối với các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời 3 lần trở lên, sẽ bị yêu cầu khóa vĩnh viễn.
Cũng theo quy định tại Nghị định 147, các nội dung vi phạm là những hành vi bị cấm tại Điều 8 của Luật An ninh mạng. Cụ thể, các hành vi lợi dụng mạng internet để: Tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hay kích động khủng bố, chiến tranh, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; Phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức. Ngoài ra, Nghị định còn áp dụng một quy định tổng quát là xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan. Điều này bao gồm các nội dung vi phạm không chỉ được quy định rõ ràng tại Điều 8 mà còn trong các quy định pháp luật khác.
"Để thực hiện việc rà soát tổng thể nhằm làm sạch không gian mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan. Khi cơ quan chức năng hoặc các đơn vị rà quét phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần chuyển thông tin để bộ chuyên ngành thẩm định và xác nhận xem nội dung đó có vi phạm pháp luật hay không. Đối với các nền tảng mạng xã hội, việc nhận diện toàn bộ nội dung vi phạm là không khả thi. Vì vậy, một cách hiệu quả là cung cấp mẫu vi phạm để các nền tảng này áp dụng vào thuật toán tự động. Từ đó, nền tảng có thể tích hợp các mẫu này vào hệ thống để tự động rà quét và chặn gỡ những nội dung tương tự", ông Lê Quang Tự Do đề xuất.
Trước đây, Việt Nam chưa có một quy định pháp lý cụ thể yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại từ người dùng. Tuy nhiên, với sự bổ sung của Nghị định 147, điều này đã được điều chỉnh. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội phải thiết lập một kênh tiếp nhận phản ánh của người dùng về những nội dung vi phạm pháp luật hoặc gây ảnh hưởng đến họ. Nghị định cũng quy định rõ thời hạn để các nền tảng phải xử lý và phản hồi các khiếu nại từ người dùng.
Nhiều người dùng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok phản ánh rằng khiếu nại của họ không có ai trả lời
"Người dùng mạng xã hội còn có thể gửi phản ánh trực tiếp đến các cơ quan chức năng, bao gồm các bộ, ngành địa phương. Những cơ quan này, theo lĩnh vực phụ trách của mình, sẽ có trách nhiệm xử lý khiếu nại đó. Đặc biệt, nghị định đưa ra các mốc thời gian cụ thể: 24 giờ để các nền tảng xử lý khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc 48 giờ khi có khiếu nại có căn cứ từ người dùng. Theo quy định mới này, nếu các nền tảng không tuân thủ, họ sẽ bị xử phạt hành chính", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Trước Nghị định 147, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vào năm 2013. Nghị định này từng được sửa đổi, bổ sung vào năm 2018. Thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là việc thiếu các quy định rõ ràng về trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới, doanh nghiệp viễn thông, internet và các nhà cung cấp dịch vụ hay trung tâm dữ liệu. Vì thế, các nhà quản lý cũng như các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị định mới này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trước đây, các nền tảng mạng xã hội thường chỉ gỡ bỏ nội dung vi phạm, nhưng tài khoản của người vi phạm vẫn được giữ lại. Tuy nhiên, hiện nay, nếu tài khoản tái phạm nhiều lần, các nền tảng sẽ phải vô hiệu hóa tài khoản đó. Đối với các nền tảng xuyên biên giới, dù chưa có đại diện tại Việt Nam, khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, họ bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ, nhà nước hoàn toàn có khả năng đình chỉ toàn bộ hoạt động của họ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
"Trong thời gian dài, quá trình xây dựng Nghị định gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do phản ứng từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tìm kiếm tiếng nói chung, giải thích, thuyết phục và phổ biến các quy định một cách rõ ràng. Kết quả là đến nay, hầu hết các bên liên quan đã cơ bản đạt được sự đồng thuận", ông Lê quang Tự Do chia sẻ.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng sẽ tác động rất lớn tới rất nhiều cá nhân và gia đình. Với việc 100 % công dân Việt Nam đã có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, việc triển khai định danh trên mạng xã hội được cho là sẽ có nhiều thuận lợi. Chỉ còn hơn một tháng nữa Nghị định sẽ có hiệu lực, các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ phải đối mặt với áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ để chuẩn bị cho việc thực thi. Dù đầy thách thức, đây là hành trình không thể đảo ngược, nhằm xây dựng một không gian số minh bạch, tin cậy, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và hình thành văn hóa ứng xử lành mạnh trên môi trường mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!