Thiếu trường lớp vùng ven:

Xuất hiện nhiều "siêu phường", "siêu xã", nhà ăn của trường biến thành phòng học

Thanh Hải-Thứ ba, ngày 07/07/2020 14:56 GMT+7

VTV.vn - Trước yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thiếu trường lớp trở thành áp lực khiến cho nhà trường, giáo viên và học sinh phải gồng mình để đáp ứng.

2 tháng nữa, cùng với cả nước, TP.HCM sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Điểm mới là 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, tăng các giờ hoạt động thể chất, trải nghiệm... Thế nhưng, với địa phương có số học sinh tăng chóng mặt như TP.HCM đặc biệt tình trạng thiếu trường lớp tại các huyện vùng ven diễn ra trong một thời gian dài thì việc triển khai học 2 buổi/ngày là điều gần như không thể với rất nhiều trường tiểu học.

Trường vùng ven xoay xở triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học trước, trường Tiểu học Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh có hơn 5.000 học sinh, tương đương 5 trường tiểu học khu vực nội thành. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trường dồn các lớp từ khối lớp 2 đến lớp 5 để dành phòng cho học sinh lớp 1.

Xuất hiện nhiều siêu phường, siêu xã, nhà ăn của trường biến thành phòng học - Ảnh 1.

Trường học phải dồn lớp để dành phòng cho học sinh lớp 1.

Cách trường Tiểu học Vĩnh Lộc A chưa đầy 1km, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản mới xây cũng chật kín lớp học. Nhà trường chuẩn bị chuyển hội trường và thư viện làm lớp học đón học sinh lớp 1. Thế nhưng, vẫn phải bố trí học cả ngày thứ Bảy mới đủ lớp.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, thành phố đang chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chương trình mới cho các khu vực thiếu trường lớp, đồng thời, đề nghị các trường linh hoạt điều chỉnh giờ học khắc phục khó khăn.

Chị Bùi Tuyết Lan, phụ huynh học sinh chia sẻ: "Nếu không xây thêm trường lớp thì tội nghiệp các con và các thầy cô. Tôi rất mong lãnh đạo xây thêm trường lớp cho các con"

Phụ huynh mong xây thêm trường lớp nhưng dân số tăng cơ học quá nhanh, vượt ngoài khả năng đáp ứng xây dựng trường lớp của các quận huyện. Các quận huyện vùng ven chỉ đạt hơn 20% học sinh tiểu học được học 2 buổi ngày.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học của TP.HCM, đến năm 2020, diện tích đất dành cho trường học tại TP.HCM phải đạt 2.000 ha. Tính toán này dựa trên sự phát triển dân cư và đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, sau gần 20 năm triển khai, toàn thành phố mới chỉ thực hiện được hơn 50% quy hoạch.

Đây là lý do khiến mạng lưới trường học không đáp ứng đủ so với sự phát triển của dân cư, trở thành áp lực rất lớn đối với ngành giáo dục. Trong đó, nguyên nhân chính khiến nhiều dự án trường học không triển khai được vì không thể tìm được tiếng nói chung trong giải tỏa đền bù đất trường học.

Bế tắc xây dựng trường vì vướng đền bù

Đã 3 năm kể từ khi có quyết định xây dựng trường Tiểu học Vĩnh Lộc 1, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là mảnh đất bỏ không với đầy cỏ dại. Để đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng chỉ còn cách người dân và địa phương thống nhất giá đền bù. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những học sinh cần trường lớp mới phải tiếp tục chờ đợi.

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo tính toán của Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, cả huyện cần thêm 17 trường tiểu học nữa. Thế nhưng hiện nay, đến hơn nửa số trường dù đã có dự án xây dựng nhưng chưa được giao mặt bằng.

Xuất hiện nhiều siêu phường, siêu xã, nhà ăn của trường biến thành phòng học - Ảnh 2.

Do vướng đền bù, dự án xây dựng trường học vẫn nằm trên giấy.

"Ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, dự án thuộc đất nông nghiệp nên việc áp dụng giá đền bù cho người dân vẫn chưa được sự đồng thuận. So với thực tế bị trượt giá nên khoảng 60% người dân chưa đồng tình về giá cả vì vậy chưa thể đền bù để tiến hành xây dựng" - ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết.

Bên cạnh những dự án trường học bị "treo" năm này đến năm khác, một nguyên nhân khiến cho tình trạng thiếu trường lớp ở TP.HCM ngày càng trầm trọng do các dự án dân cư mới phát triển nhanh nhưng không đi cùng với việc mở thêm trường học mới. Gánh nặng học sinh gia tăng đổ lên các trường công lập.

Để trường học không còn gồng mình "gánh" học sinh tăng vọt

Trường tiểu học Lê Văn Thọ là trường có số học sinh đông nhất quận 12 với khoảng 5.000 em. 100% lớp học phải chia ca học sáng hoặc chiều. Từ nhiều năm trước, trường đã phải tận dụng một số phòng sinh hoạt đội, nhà ăn... thành phòng học nhưng năm nay, trường không thể cơi nới gì thêm. Trường chỉ còn cách cho học sinh học 1 buổi và học thêm cả thứ Bảy.

Lý do khiến các trường học trở thành "siêu trường" vì có rất nhiều khu dân cư mới, chung cư mới mọc lên mà không xây trường theo quy hoạch. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho biết, các dự án xây dựng khu dân cư mới đông dân cư nhưng không xây trường theo quy định thế nhưng họ không hề bị cưỡng chế thực hiện hay xử phạt.

Xuất hiện nhiều siêu phường, siêu xã, nhà ăn của trường biến thành phòng học - Ảnh 3.

Trường học trở thành "siêu trường" vì nhiều khu dân cư mới, chung cư mới mọc lên.

Dân số ngày càng tăng khiến cho không chỉ quận 12 mà đa số quận, huyện vùng ven TP.HCM xuất hiện những "siêu phường", "siêu xã". Nhiều phường, xã có đến hơn 150.000 dân, tương đương dân số của một quận.

Theo các Phòng Giáo dục của các quận, huyện, TP.HCM cần thực hiện nghiêm hậu kiểm khi cấp phép các dự án khu dân cư mới, dành quỹ đất cho trường học được xây mới. Nếu không, trường công vẫn gồng mình "gánh" số học sinh mới tăng ồ ạt mỗi năm ở các khu dân cư mới mà không thể xoay xở nổi.

Thiếu trầm trọng trường học cho con em công nhân Thiếu trầm trọng trường học cho con em công nhân

VTV.vn - Có được một ngôi trường phù hợp để con em vui chơi, học tập vẫn luôn là niềm mơ ước của hàng triệu công nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước