Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về đàn Nam Giao thời Tây Sơn

PV (t/h)-Chủ nhật, ngày 31/07/2022 06:17 GMT+7

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát thực địa khu vực được khai quật khảo cổ ở núi Bân (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Sau 1 tháng khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia núi Bân, các nhà khảo cổ xác định những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế.

Núi Bân là ngọn núi nơi Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung vào năm 1788. Di tích núi Bân trước đó được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.

Việc khai quật này được tiến hành 35 ngày, với tổng diện tích dự kiến ban đầu 100m2, nhưng sau đó mở rộng lên 140m2, do các chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì. Có 9 hố được mở ở bốn phía đông, tây, nam và bắc của đàn tế.

Quá trình khai quật đã tìm thấy những vết tích bó móng kè đá, kè gạch, mặt nền san phẳng… từ đó bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân. Đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân có khả năng có chân đế hình vuông, xung quanh kè đá và gạch. Phía trên có ba tầng đất, được tạo theo kiểu hình nón cụt bằng cách ban xẻ triền núi trên cơ sở các đường đồng mức hình quả trứng, tạo thành ba vòng nền có chiều cao và chiều rộng không đều nhau, chu vi các vòng nền giảm dần theo chiều cao của ngọn núi.

Các nhà nghiên cứu đề xuất mở rộng diện tích khai quật và đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương số hóa các hình ảnh, tư liệu liên quan nhằm lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận di tích núi Bân là di tích quốc gia đặc biệt.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước