Ý thức chống dịch COVID-19: Người tuân thủ, người lơ là

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/08/2021 21:15 GMT+7

VTV.vn - Trong khi cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch, đâu đó vẫn còn những cá nhân vi phạm quy định, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Một phụ nữ trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh, khi di chuyển sang quận 1 không đeo khẩu trang, điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, không xuất trình giấy tờ tùy thân vừa bị công an phạt 2,6 triệu đồng vào ngày 10/8. Nhưng điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên hình ảnh chị này "dậy sóng" trên mạng xã hội vì biện minh cho hành vi không tuân thủ quy định phòng dịch.

Ý thức chống dịch COVID-19: Người tuân thủ, người lơ là - Ảnh 1.

Bà N. bị phạt 2,6 triệu đồng vì ra đường không đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.... (ảnh cắt từ clip)

Còn ở Hà Nội đang trong giai đoạn mang tính chất quyết định để chặn đứng dịch bệnh khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 lần thứ 2. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều thói quen của người dân buộc phải thay đổi. Chính quyền đã áp dụng việc phát phiếu đi chợ cho người dân 3 ngày/lần để hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Nhưng vẫn có tình trạng một số hộ bán hàng bên ngoài khu vực chợ dân sinh truyền thống, không được phép kinh doanh, không đảm bảo yêu cầu an toàn và phòng chống dịch.

Bán hàng không đảm bảo quy định phòng dịch

Hé cửa hoặc mở ra để người vào rồi nhanh chóng đóng lại. Người mua và người bán bên trong, không tấm ngăn, không giãn cách, có những thời điểm 4-5 người cùng trong một không gian hẹp và kín.

Trao đổi với phóng viên VTV, đại diện UBND phường Thành Công cho biết đã vận động những hộ có đăng ký kinh doanh hàng thiết yếu vào chợ bán hàng, những hộ bên ngoài không có giấy phép hoặc từ các địa phương khác đến tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách.

Ý thức chống dịch COVID-19: Người tuân thủ, người lơ là - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND phường Thành Công cho biết, phường có 27.000 dân, hơn 7.000 hộ gia đình, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn.

Khi có sự kiểm tra của lãnh đạo phường, các cửa hàng nhanh chóng đóng cửa, những người bán hàng rong cũng vội vã rời đi, người mua hàng cũng chạy theo.

Thay đổi thói quen đi chợ để phòng dịch

Những trường hợp vi phạm như trên có lẽ cũng không nhiều, bởi đa phần ý thức người dân đã thay đổi tích cực. Với các bà nội trợ, việc phải thay đổi thói quen đi chợ cũng không phải là ngoại lệ.

Tại chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thời gian hoạt động là từ 3h đến 20h hàng ngày. Với những người làm công việc nội trợ, từ hơn nửa tháng nay, việc chủ động thay đổi giờ giấc sinh hoạt để đi chợ 3 ngày 1 lần và đi chợ theo ngày chẵn lẻ được ghi trên phiếu cũng đã trở thành thói quen.

Không chỉ những người mua hàng, cả những người bán hàng và Ban quản lý chợ cũng đã chủ động hơn trong việc đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung hàng hóa. Mục đích là không để xảy ra tình trạng các mặt hàng bày bán trong chợ hôm thừa, hôm lại thiếu.

Ý thức chống dịch COVID-19: Người tuân thủ, người lơ là - Ảnh 3.

Còn ở chợ Nhật Tân, quận Tây Hồ, chợ chỉ hoạt động vào buổi sáng. Ngoài quy định người dân đi chợ 3 ngày 1 lần, phiếu đi chợ ở đây còn ghi rõ 2 khung giờ đi chợ là từ 6h - 7h30 và từ 7h30 - 9h hàng ngày. Căn cứ vào số lượng phiếu đi chợ thu được hàng ngày, Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch cụ thể để chợ hoạt động hiệu quả trong thời gian giãn cách.

Cùng với các giải pháp do chính quyền địa phương triển khai, sự chủ động, linh hoạt của các bà nội trợ để có được những cách thích nghi với những bất tiện không mong muốn trong việc đi lại mua sắm hàng ngày là rất cần thiết. Bởi có giải quyết tốt vấn đề này, nhu cầu dinh dưỡng cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình mới được đảm bảo, các biện pháp phòng chống dịch ở các chợ dân sinh mới được siết chặt trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước