Chị Dương Thị Thư (thôn Nam, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có chứng chỉ nghề cắt may từ năm 2014, nhưng chị chưa từng làm may. Chứng chỉ học nghề đã mất từ lâu, còn công việc của chị mấy năm nay lại là làm vườn, phục vụ thực phẩm sạch cho người thành phố. So với nghề may, nghề làm vườn thu nhập cao hơn rất nhiều, nhưng đến nay xã Phụng Thượng vẫn chưa có lớp học nào.
Nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp là hai lĩnh vực được đào tạo cho người dân nông thôn. Trong hơn 6 năm qua, đối với nghề phi nông nghiệp, đa số các địa phương đều gói gọn trong các nghề như: Tin học văn phòng, may công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng, mây tre đan… Đã có chuyện là dạy tin học cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi họ không có máy tính, internet.
Đối với nghề nông nghiệp chủ yếu là trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Bởi thế mới có chuyện xã Thượng Quận, Kinh Môn, Hải Dương là xã nhiều năm trồng hành mà nông dân chưa được học một lớp nào về cây hành, chế biến hành.
Cũng tại xã Thượng Quân, sắn dây cũng là cây trồng chủ lực của xã với hơn 100 ha. Chế biến sắn dây là nghề mà nhiều người muốn học vì giá bột sắn dây hiện cao gấp 10 lần sắn tươi. Tuy nhiên, theo đề án 1956, nghề chế biến sắn dây lại không nằm trong danh mục được đào tạo.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!