SLNA và hướng phát triển mới

Đại Nghĩa (TT&VH)Cập nhật 20:00 ngày 07/04/2014

SLNA vẫn thành công vẫn cách làm bóng đá của riêng mình dù khó khăn tài chính.

SLNA thiệt thòi khi không có nhiều tiền để đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo trẻ. Tuy nhiên, địa phương này có truyền thống, sự tâm huyết và một mô hình rất bài bản và chuyên nghiệp.

Đó là những yếu tố khác biệt để “lò” Sông Lam chứng tỏ sự vượt trội của mình dù nhiều năm qua, có không ít địa phương, có không ít các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ cũng vào cuộc và cạnh tranh quyết liệt.

Thực tế là từ vài năm trở lại đây, các đội trẻ SLNA không còn “làm mưa làm gió” ở các giải bóng đá trẻ trong nước như trước đây, và lò đào tạo SLNA đang bắt đầu bộc lộ dần những hạn chế. Có thể thấy, mô hình đào tạo trẻ của SLNA hiện nay gần như không có gì khác so với cách đây 10 năm. Vẫn phương pháp tuyển chọn VĐV với những bài kiểm tra cũ kỹ theo sự cảm nhận chủ quan của HLV là chính, quản lý VĐV theo cách giao phó hoàn toàn cho BHL các đội, vẫn phương pháp dạy đá bóng kiểu cũ …

Tất nhiên, SLNA vẫn duy trì đào tạo từ lứa tuổi U11, U13, U17 đến U21 theo kiểu “cuốn chiếu”. Trong nhiều năm, khi SLNA tuyển đầu vào, có khoảng 70-80 học viên lứa tuổi U11, U13 nhưng đến lúc hoàn thành khóa đào tạo thì chỉ còn khoảng 2-3 học viên trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Đấy là một con số khiêm tốn nhưng theo đánh giá của SLNA thì như vậy cũng có thể được coi là thành công. Tuy nhiên chính sự tuyển chọn và đào tạo khắt khe như thế đã khiến các gia đình có con em được đậu vào trung tâm đào tạo SLNA cảm thấy không khác gì đánh bạc với cuộc đời của con em họ. Đây là mặt trái của công tác đào tạo bóng đá trẻ không riêng gì ở SLNA mà trở thành tình trạng chung của các trung tâm đào tạo trong cả nước như SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.T&T.

Do điều kiện kinh phí không dư dả đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển sinh và đào tạo của SLNA. Trong nguồn kinh phí 50 tỷ đồng của SLNA (nhà tài trợ Bắc Á 60%, UBND tỉnh Nghệ An 40%) thì số tiền để phục vụ cho công tác đào tạo trẻ cũng chỉ đạt khoảng 20%. Vì thiếu kinh phí như thế nên trong những năm gần đây SLNA không những không thể mở rộng địa bàn tuyển sinh mà còn bị chính các trung tâm đào tạo trẻ khác “rút ruột” ngay trên đất Nghệ An như các trung tâm đào tạo của HA.GL, Hà Nội.T&T, Viettel, PVF.

Bằng chứng cụ thể là tại giải U19 QG 2014 vừa diễn ra, trong 4 đội lọt vào vòng bán kết thì thành phần của 2 đội bóng U19 Viettel và U19 Hà Nội.T&T có đến hơn 2/3 cầu thủ có gốc gác Nghệ An.

Biết vấn đề khó khăn là thế, nhưng khi trải lòng với Thể thao & Văn hóa, TGĐ Cty CP BĐ SLNA Nguyễn Hồng Thanh vẫn tin tưởng: “Ở Nghệ An chúng tôi cũng đã xây dựng được một đội bóng giàu bản sắc, được người hâm mộ ủng hộ nhiệt thành. Là con em xứ Nghệ được chơi bóng cho CLB bóng đá quê hương là niềm tự hào, khát khao cháy bỏng. Vì thế, chẳng có lý do gì để các tài năng bóng đá, cũng như phụ huynh của các em không chọn lò đào tạo SLNA để nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA vẫn là địa chỉ đỏ của các tài năng bóng đá xứ Nghệ”.

Mới đây, để áp dụng chính sách tiết kiệm, SLNA đã thanh lý hợp đồng với hàng loạt cầu thủ trẻ. Số cầu thủ này bị loại không hẳn vì quá yếu về chuyên môn mà bởi tài chính hạn hẹp, nên đội bóng xứ Nghệ buộc phải tinh giản biên chế với mục tiêu là giảm khoảng 30% so với quân số hiện tại. Khi áp dụng chính sách này, ngoài việc sát hạch về chuyên môn, SLNA còn xem lại quá trình học tập, đạo đức của cầu thủ và trên cơ sở đó sẽ thanh lọc lực lượng.

Đây là một cách làm không tránh khỏi những dị nghị, vì những cầu thủ trẻ ở SLNA khi bị loại sẽ rất khó khăn để hòa nhập với xã hội, vì việc học hành của họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều do đã phải dành thời gian luyện tập bóng đá.