Trong những cuộc họp gần đây nhất, VPF đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng đã có những chủ trương sẽ mua bảo hiểm cho hơn 900 cầu thủ, trọng tài, giám sát thông qua một công ty bảo hiểm hàng đầu. .
Đây là một tín hiệu rất vui cho các cầu thủ, CLB và cả nền bóng đá của chúng ta. Nhưng câu hỏi đặt ra là việc triển khai công việc này như thế nào? Ai hay đơn vị nào nên đứng ra mua bảo hiểm và việc giải quyết những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai sẽ như thế nào thì vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau?
Những rắc rối xung quanh việc thanh toán tiền điều trị chấn thương của Anh Khoa liệu sẽ lặp lại trong tương lai?
Kể từ khi bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, vấn đề bảo hiểm cho càu thủ chưa thực sự được quan tâm triệt để. Nguyên nhân đưa ra có nhiều, nhưng chủ yếu là do các cầu thủ chưa ý thức được tầm quan trọng của hợp đồng bảo hiểm hoặc một số câu lạc bộ còn lơ là với những vấn đề mà họ cho rằng không có tác dụng sát sườn. Đó là lí do vì sao thị trường bảo hiểm ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Do đó, thông tin VPF đứng ra mua bảo hiểm thân thể cho tất cả các cầu thủ và trọng tài tại V.League, giải hạng Nhất và Cúp quốc gia từ mùa giải 2016 nhận được sự đón chào nồng nhiệt từ phía các câu lạc bộ. Các cầu thủ cũng sẽ mừng vì họ sẽ có thể yên tâm trong trường hợp gặp sự cố nghề nghiệp còn VPF cũng chỉ mất một phần chi phí quảng cáo cho các công ty bảo hiểm.
Việc mua bảo hiểm là một tín hiệu đáng mừng của bóng đá Việt Nam nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là các bên sẽ giải quyết như thế nào khi cầu thủ xảy ra chấn thương? Về lý thuyết, công ty bảo hiểm sẽ làm việc trực tiếp với VPF vì đây là công ty trực tiếp đứng ra thanh toán các hợp đồng bảo hiểm, trong khi cầu thủ vẫn chịu sự quản lý của đơn vị chủ quản là câu lạc bộ. Rõ ràng, đây là một bài toán mà câu lạc bộ, VPF và công ty bảo hiểm cần đi đến thống nhất và tìm được tiếng nói chung.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!