Sau nhiều cân nhắc, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã lần đầu tiên trong lịch sử, thành lập một đoàn thể thao dành cho những vận động viên phải rời bỏ quê hương do chiến tranh, dịch bệnh và nghèo đói.
Từ nhiều vận động viên ưu tú, bằng tài năng cùng sự phấn đấu không ngừng bất chấp nghịch cảnh, 10 người xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tham dự sân chơi thể thao lớn nhất thế giới - Olympic Rio 2016. Yusra Mardini là một thành viên ưu tú trong số đó.
Vận động viên bơi lội Yusra Mardini của đoàn thể thao người tị nạn tại Olympic Rio 2016
Cách đây 5 năm, cô bé Syria Yusra Mardini còn đang đứng trước một tương lai đầy sáng lạn. Sinh ra tại Damarcus trong một gia đình nhà nòi, bố là huấn luyện viên bơi lội, cô đã nhanh chóng trở thành một tài năng bơi triển vọng của Syria. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột nổ ra tại đất nước này, Yusra cùng gia đình đã phải gạt nước mắt rời bỏ quê hương để tới châu Âu.
Nét đáng yêu của cô gái Syria Yusra Mardini 18 tuổi đầy nghị lực.
Lênh đênh trên biển Aegian, có thời điểm cô đã phải đối mặt với tử thần, khi chiếc xuồng cao su hỏng động cơ nhưng bằng quyết tâm phi thường, hai chị em Yusra và một số người khác đã nhảy xuống biển, vừa bơi vừa đẩy thuyền đến nơi an toàn.
Sau hàng chục ngày gian khổ, cuối cùng Yusra cũng tới được thủ đô Berlin của Đức, nơi cô được đoàn tụ với gia đình và có thể tập luyện trở lại. Cô đã tiến bộ phi thường và từ chỗ đặt mục tiêu tham dự Olympic 2020, các HLV đã định hướng cô đăng ký tham dự Olympic Rio 2016.
“Đây là ước mơ từ khi tôi bắt đầu học bơi. Chúng tôi đang nỗ lực hết khả năng để tôi có thể đủ tiêu chuẩn tham dự. Mọi người cũng đang giúp đỡ tôi rất nhiều”, Yusra Mardini chia sẻ.
Hiện nay, khi cô có tên trong danh sách 10 người của đoàn thể thao tị nạn đầu tiên trong lịch sử Olympic, câu chuyện đầy nghị lực của Yusra Mardini đã được cả thế giới biết đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!