Gần đây nhất, thủ quân của tuyển U23 quốc gia Quế Ngọc Hải, một người tính tình ôn hoà, bỗng một ngày bất ngờ dùng pha bóng triệt hạ trong một tình huống không đáng và khiến Anh Khoa của Đà Nẵng đối mặt với việc chia tay sân cỏ.
Khán giả Việt Nam dị ứng với những pha bóng triệt hạ. Tất cả những CĐV trung lập chưa thấy ai nghĩ con số 4 trận là thoả đáng cả. Thế nhưng ban kỷ luật của Liên đoàn họ nghĩ gì? Thử so sánh 2 án phạt thì biết. Họ luôn tìm những cách làm những điều kỳ lạ lựa lách cho những cầu thủ phạm lỗi.
Pha vào bóng của Bửu Ngọc đặt bên cạnh thì phải nói gần như là một bản copy hoàn hảo của Quế Ngọc Hải, khác biệt duy nhất là Anh Khoa thì không né kịp và đứt toàn bộ dây chằng gối, còn Duy Long của CLB Sài Gòn thì may mắn nhảy kịp và chịu một chấn thương nhẹ. Ban kỷ luật nghĩ ra con số 6 tháng cho một án kỷ luật với Quế Ngọc Hải thay vì cấm một số trận nhất định. Thực ra đó là một sự lấp liếm vụng về, phần lớn thời gian 6 tháng đó là thời gian nghỉ giữa hai mùa giải, chưa kể Ngọc Hải sau đó còn được giảm án một lần nữa.
Chỉ cần nhìn vào con số 4 trận treo giò của Bửu Ngọc mới thấy sự lố bịch của án phạt theo tháng. Tại sao Ban kỷ luật không phải Bửu Ngọc theo tháng? Bởi, với 4 trận đấu thì Bửu Ngọc sẽ thi đấu trở lại vào ngày 22/8 tức là án phạt này chỉ có thời hạn một tháng thôi. Hai pha phạm lỗi giống nhau, Bửu Ngọc nhận án phạt bằng 1/6 Quế Ngọc Hải. Thật không thể tin nổi.
Mọi suy luận khác đi đều dẫn đến một kết quả là ban Kỷ luật sử dụng chiêu trò để che giấu cho sự nương nhẹ của mình, hoặc họ đang ra án phạt dựa trên mức độ chấn thương của cầu thủ chứ không phải là bản chất triệt hạ của pha phạm lỗi. Nếu dựa trên tiêu chí đó, tôi khuyên họ nên có một bảng, tạm gọi là bảng giá cụ thể cho những án phạt tuỳ theo mức độ chấn thương khác nhau.