Nhờ đó, cơ hội được tạo ra với một số cầu thủ trẻ, tạo tính kế thừa xuyên suốt, mà không hề e ngại về một cuộc khủng hoảng thiếu.
SLNA và SHB.ĐN vốn dĩ đã là những lò đào tạo có tiếng, với liên tiếp các danh hiệu đạt được trong hệ thống thi đấu các giải bóng đá trẻ được tổ chức hàng năm. Nó là điều kiện cần để các đội bóng này cân đối chi tiêu, mà vẫn đảm bảo được tham vọng ở tầm cao. Sau một đôi mùa bóng chạy thử, ở V-League 2014, đội bóng chủ sân Chi Lăng sẽ trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng, mà Quách Tân, Ngọc Thắng hay Minh Tâm là những gương mặt ưu tú nhất.
Ở mùa giải trước, HN.T&T trên đường về đích đã giới thiệu được ít nhất 2 gương mặt mới là hậu vệ U23 Việt Nam Sầm Ngọc Đức và thủ thành Văn Công. Đó đều không phải là sản phẩm nguyên bản của lò đào tạo đội bóng Thủ đô mới tuổi lên 8, nhưng thông qua một chương trình hợp tác khác ở Nghệ An, lẽ dĩ nhiên HN.T&T không mất phí chuyển nhượng. Với Phạm Văn Thuần, Đào Duy Khánh, Phạm Văn Thành…, HN.T&T có đủ lực lượng kế thừa trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng tài chính buộc các ông bầu phải thắt hầu bao, nắn lại lộ trình, bao gồm cả các đội bóng của bầu Hiển. Việc gọi trở lại các cựu công thần như Đồng Nai, ĐT.LA, SLNA hay các tân binh HV.An Giang, QNK.Quảng Nam…, cũng là một cách làm.
Trong bối cảnh đó, B.BD vẫn như lữ khách độc hành trên con đường mà họ đã chọn. Chính sách mua sắm rầm rộ vẫn được tiến hành như một thuộc tính và đội bóng đất Thủ luôn không có đối thủ.
Thành công với U19 Việt Nam, mà “những đứa trẻ của bầu Đức” ở Học viện HA.GL Arsenal JMG là những kép chính, càng tạo thêm cơ sở để khẳng định vai trò tất yếu của đào tạo trẻ, cho sự phát triển bền vững của một đội bóng, hay rộng hơn là của cả nền bóng đá.
Nếu ai đó còn nghi ngờ về điều này, hẳn họ đang sống trên mây hay chẳng có chút kiến thức nào về bóng đá cả, hoặc nữa, họ làm bóng đá để phục vụ những lợi ích khác.