1. Sau 18 lượt trận đã đấu, B.Bình Dương đang tạm thời xếp đầu bảng với 38 điểm, bằng với số điểm của Hà Nội.T&T, khi đội bóng đại diện Thủ đô vẫn còn một trận đấu bù với SLNA làm vốn (vòng 8). Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chỉ cần bỏ túi ít nhất 1 điểm khi đón tiếp SLNA (ngày 12/7) là trật tự cũ được lập lại. Và B.Bình Dương dù có thắng tất cả các trận đấu còn lại, đất Thủ vẫn không thể lên ngôi, nếu Hà Nội.T&T cũng làm được điều tương tự.
Xét những diễn biến gần đây, vẻ như người Bình Dương vẫn chưa muốn từ bỏ cuộc đua. Lượt trận mới nhất, ông Hải “lơ” và cầu thủ của ông không mất quá nhiều mồ hôi để hạ gục thế lực cũ Hoàng Anh Gia Lai với tỷ số 4-1. Cùng thời điểm đó, Hà Nội.T&T chỉ tìm được 1 điểm trên sân nhà, trước một đội bóng bị đánh giá là yếu hơn rất nhiều, Đồng Tâm Long An. Nhưng, tất cả những điều đó không giúp cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn. Tại sao thế?
Trong khoảng thời gian diễn ra vòng chung kết World Cup 2014, bóng đồng thời cũng lăn trên các sân cỏ Việt Nam, tại V-League và Cúp QG, với rất nhiều những nghi ngại về nạn dàn xếp tỷ số. Đã có 41 bàn thắng được ghi ở vòng đấu thứ 19 (trung bình hơn 6,8 bàn/trận, kỷ lục vô tiền khoáng hậu), trong khi đó, lượt trận thứ 20, con số này là 29 bàn/6 trận. Không phải tự nhiên mà số lượng bàn thắng luôn ở mức kỷ lục. Câu nói "chị ngã em nâng" ở đây không phải không có lý.
Việc quyết định V-League và Cúp QG vẫn đồng thời diễn ra trong khoảng thời gian cả thế giới hướng về Brazil, cho đến lúc này, có thể thấy là lợi bất cập hại. Thậm chí, ngay cả việc chọn đối tác là đội bóng trẻ Myanmar cho màn ra mắt của tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Toshiya Miura, cũng bị cho là thiếu tôn trọng người hâm mộ. Mọi thứ diễn ra như xem một ván tennis ở Thủ Dầu Một, khi đối phương gần như không có khả năng kháng cự.
2. Trở lại với cuộc đua đến chức vô địch V-League 2014, nếu Hà Nội.T&T giành chiến thắng trong cả 5 lượt trận còn lại, họ sẽ lên ngôi mà không cần bận tâm đến các diễn biến khác. Bằng với khả năng này, điểm số của đại diện Thủ đô sẽ là 53 điểm/22 trận, lại một kỷ lục mới nữa được thiết lập. Mùa giải 2013, Hà Nội.T&T giành chức vô địch với chỉ 38 điểm, sau 20 lượt trận, bằng với điểm số hiện tại của chính họ dù mới chỉ đá 17 trận (V-League 2012, SHB.Đà Nẵng lên ngôi với 48 điểm sau 26 trận đấu, còn năm 2011, SLNA vô địch với 49 điểm sau 26 trận…).
Sự bùng nổ bàn thắng ở V-League không đem lại hứng khởi như các trận vòng bảng World Cup 2104, mà ngược lại, nó cho thấy sự chênh lệch quá lớn về năng lực cạnh tranh giữa các đội. Từ năm 2003 – 2008, V-League có 3 nhà vô địch, trong khi cũng bằng với khoảng thời gian này, từ 2009 – 2013, cũng chỉ có nhiều nhất 3 cái tên lên ngôi. Các đội bóng của bầu Hiển đã và đang nắm 4/5 chức vô địch gần nhất và con số này nhiều khả năng sẽ được nâng lên sau khi V-League 2014 hạ màn.
Bên cạnh các chỉ số chuyên môn, những lo ngại về việc sẽ có thêm một (hay vài) cái tên khác rút lui khỏi cuộc chơi là không mơ hồ. Song nhà tổ chức cho đến thời điểm này vẫn không thể đưa ra được các phương án giải quyết. Ngược lại, họ cứ cố gói ghém cho đủ số lượng (14 đội), để làm hài lòng nhà tài trợ và hy vọng sẽ kiếm thêm tiền bản quyền truyền hình, thông qua các trận đấu của một mùa giải được nối dài.
Bóng đá rõ là không nói hay được và nói theo kiểu của ông Nguyễn Quốc Hội, chủ tịch CLB Hà Nội.T&T, thì phải bắt tay vào làm bóng đá mới hiểu nó phức tạp như thế nào. Từ phức tạp mà ông Hội đề cập ở đây, không đơn thuần chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền để nuôi một (hay vài đội bóng), mà bản thân cái địa hạt bóng đá Việt Nam, bao gồm cả ban bệ VFF, rồi VPF, trọng tài…, cũng đủ các thành phần xã hội và không phải ai cũng “vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam”.
V-League xuống cấp và mất giá, suy cho cùng, cũng chỉ là một hình ảnh tiêu biểu nhất của bóng đá Việt Nam. Nói không hề quá lời, sẽ chẳng mấy ai còn bận tâm đến chuyện đội bóng nào sẽ lên ngôi vô địch ở mùa giải năm nay nữa, nếu không phải người trong cuộc tự sướng với nhau. Ở cấp độ các đội tuyển quốc gia, có lẽ còn rất lâu nữa nền bóng đá mới thoát ra khỏi cái ao làng Đông Nam Á, chứ đừng nói mục tiêu World Cup
3. Thể thao & Văn hoá Cuối tuần đã từng làm một cuộc thăm dò bỏ túi và rất nhiều ý kiến tán đồng rằng, V-League chỉ nên có từ 8 – 10 đội bóng có chiến lược nghiêm túc; hạng Nhất nên tăng gấn 1,5 hoặc 2 lần số lượng đội so với V-League. Cứ như thế, xuống gần chân đế đến hạng Nhì, hạng Ba, rồi hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia... Phải tạo được cái chân đế thật to và vững, mới hy vọng thay đổi năng lực đầu ra của nền bóng đá (các đội tuyển quốc gia), chứ không phải hiện tượng “bố đầu to con đầu nhỏ”, tức teo từ từ, như hiện tại.
Bàn tới chuyện này, chúng ta không thể không giật mình, với quyết định giải thể Trung tâm bóng đá trẻ Viettel, nơi đã kiện toàn hệ thống các tuyến trẻ và đang có đội bóng dự giải hạng Nhì quốc gia, vừa mới được đưa ra. Số phận của hàng trăm con người, các HLV, rồi cầu thủ, cần phải được tính tới. Bên cạnh đó, việc Viettel giải thể còn có thể sinh ra tiền lệ không hay cho các Trung tâm hay Học viện bóng đá trẻ khác, kiểu PVF hay Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG… Bậc phụ huynh nào còn đủ dũng khí gửi con đi học bóng đá khi chẳng có điều gì chắc chắn cả?!
Vẫn còn 4 lượt trận nữa để quyết định chức vô địch V-League 2014 và nhiều khả năng, cái tên nhà vô địch sẽ chỉ được sướng lên sau lượt trận cuối. Kỷ lục 3 lần vô địch đang vẫy gọi Hà Nội.T&T và nó sẽ trở nên hiện hữu hơn trong tuần lễ “giao lưu” với xứ Nghệ. Trong 1 tuần (từ 12 – 19/7), Hà Nội.T&T và SLNA sẽ gặp nhau đến 2 lần trong khuôn khổ V-League. Hẳn phần lớn đều đoán được kịch bản sẽ xảy ra như thế nào rồi?! Đất Thủ sẽ lại thêm một mùa thất bát nữa?! |