Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chất lượng điều trị HIV/AIDS của nước ta được đánh giá là ở mức cao nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề mở rộng điều trị đang là một trong những thách thức lớn nhất. Nếu không có những giải pháp cho vấn đề này, khó có thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Tại nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất ở tỉnh Lai Châu, còn rất nhiều người chưa đi điều trị. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đã khiến nhiều người không đi điều trị, xét nghiệm. Ở khu vực miền núi, nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao hiện nay, việc tuyên truyền để người dân hiểu lại đang rất thiếu.
Việc đổi mới các phương thức tiếp cận cộng đồng là rất quan trọng với các lựa chọn đa dạng cho dự phòng, điều trị, xét nghiệm, bao gồm cả các liệu pháp mới cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Điều này sẽ tạo ra hiệu quả đáng kể trong việc giảm số lượng các ca nhiễm mới, đặc biệt ở cấp xã/phường, tại trạm y tế xã, nơi có thể được xem là điểm khởi đầu cho chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Về vấn đề kinh phí trong điều trị, Việt Nam đã chuyển sang lồng ghép vào BHYT để có thuốc cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, nhiều địa phương sẽ phải cân đối kinh phí cho việc tuyên truyền và cung cấp bơm kim tiêm, dự phòng lây nhiễm... để ưu tiên cho các hoạt động này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!