Hội nghị khai mạc ngày 14/2 với sự tham dự của 35 nhà lãnh đạo quốc gia. Đây là diễn đàn cấp cao diễn ra hàng năm, nơi lãnh đạo các nước thảo luận và bày tỏ quan điểm về tình hình an ninh thế giới.
Tham dự Diễn đàn năm nay có Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, khoảng 100 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Báo cáo An ninh công bố trước lúc khai mạc đặt câu hỏi: Sức nặng của các nước phương Tây đối với thế giới giờ ra sao? Một câu hỏi có ngụ ý rõ ràng rằng sức nặng đó đang giảm sút. Lý do bên ngoài là sự nổi lên của các cường quốc mới, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Còn lý do nội tại, quan trọng hơn nhiều, là chính các nước phương Tây đang tự làm suy yếu vai trò của mình, nhất là kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên tham dự Hội nghị An ninh Munich. Ông Macron có lẽ là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đặt câu hỏi về vai trò của phương Tây, của châu Âu, đối với an ninh thế giới, trong bối cảnh Mỹ ngãng ra, còn Anh thì dứt áo, Liên minh châu Âu còn mỗi Pháp có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Pháp thấy cần phải thiết kế lại cấu trúc an ninh châu Âu, trước là để tự bảo vệ mình, sau là có thêm sức nặng trên thế giới.
Nước Đức đã im lặng sau lời kêu gọi của Tổng thống Pháp. Trong khi đó, Mỹ lại không bình luận gì khi có tới 3 Bộ trưởng Mỹ từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng tham gia hội nghị này nhưng Mỹ đang ưu tiên những chuyện khác. Những vấn đề ngắn hạn hơn và thiết thực hơn đối với nước Mỹ, nhìn từ góc độ an ninh. Sức nặng của các nước phương Tây đối với thế giới giờ ra sao chưa phải là vấn đề làm cho nước Mỹ bận tâm tại Hội nghị An ninh thế giới năm nay.
Thảo luận tại đây đã đưa ra những lý giải, theo đó đáng chú ý là, vai trò phương Tây suy yếu do lý do nội tại là chính. Một tác giả của Báo cáo An ninh công bố trước hội nghị cho rằng, trong chính trường của các nước phương Tây, sự nổi lên của xu hướng dân chủ phi tự do và xu hướng dân tộc chủ nghĩa làm cho nhiều nước phương Tây không còn tham vọng nhào nặn chính trị thế giới nữa.
Ngay trong các nước phương Tây, chất phương Tây nay cũng nhạt đi ít nhiều. Mâu thuẫn giữa các nước phương Tây trong hầu hết các vấn đề an ninh thế giới trong năm qua cũng làm cho phương Tây không còn tiếng nói chung nhất quán, mà điển hình nhất là trong hồ sơ Iran.
Ngoài an ninh thế giới, Diễn đàn An ninh lần này mở rộng thảo luận tới mức đặt ra câu hỏi, các ý tưởng nền tảng của phương Tây nay tác dụng đến đâu đối với thế giới.
Đại sứ của Đức tại LHQ cho rằng các quan điểm về nhân quyền, về tự do và về trật tự thế giới không nhất thiết phải dựa trên nền tảng triết lý của phương Tây; bản Hiến chương LHQ do nhiều nước không phải phương Tây tham gia soạn thảo đã nhất trí về những giá trị này rồi.
Mặt khác, để có thể cổ súy cho các quan điểm tự do và củng cố vai trò trên thế giới, trước hết, phương Tây phải bảo vệ và thúc đẩy các quan điểm đó ngay trong chính nước mình. Theo ông đại sứ là cần làm sạch sân nhà mình trước khi nhìn sang sân nhà bên.
Ngoài các thảo luận có tính chất vĩ mô, Hội nghị An ninh thế giới chủ yếu là nơi giới hoạch định chính sách an ninh của các nước gặp nhau một cách không chính thức. Tình hình Iran và Libya, dự án dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 và cả tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ là những chủ đề nóng nhất được quan tâm tại Hội nghị Munich năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!