Giới quan sát đặc biệt quan tâm sự kiện năm nay không chỉ vì chương trình nghị sự của hội nghị, mà còn vì những cuộc gặp bên lề giữa các lãnh đạo các nước Mỹ, Trung, Nga, Nhật Bản.
Chủ đề được quan tâm nhiều nhất và được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị G20 lần này là kinh tế, đặc biệt là sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại giữa Mỹ và một loạt đối tác lớn như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Minh châu Âu (EU).
Trung tâm báo chí của Hội nghị G20 (Ảnh: AP)
Hầu hết các quốc gia đều rất lo ngại về khả năng đổ vỡ của hệ thống thương mại thế giới được xây dựng từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nước chủ nhà Nhật Bản khẳng định sẽ đề xuất tại hội nghị một phương án nhằm giải quyết điều được gọi là mất cân bằng kinh tế toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất qua cán cân xuất nhập khẩu giữa Mỹ với các quốc gia khác.
Theo phương án của Nhật Bản, các nước phát triển sẽ giảm thói quen tiêu dùng, tăng tỷ lệ tiết kiệm trong khi các nước đang phát triển phải tăng quy mô thị trường tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên phương án này có được đủ sự ủng hộ cần thiết không vẫn là một dấu hỏi.
Logo của Hội nghị G20 Osaka tại International Exhibition Center
Hiện nay, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc đàm phán song phương Mỹ - Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng khả năng hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn xung đột thương mại là vô cùng thấp, do điều đó đòi hỏi sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên các bên có thể kéo dài thời gian đàm phán và tạm ngừng các hành động đánh thuế qua lại lẫn nhau. Ngoài ra, thế giới cũng chú ý tới phản ứng của Mỹ trong cuộc họp toàn thể, do Mỹ đang yêu cầu các đối tác thương mại giảm bớt quy mô thặng dư thương mại vào nước này.
Kịch bản nào cho cuộc gặp Mỹ - Trung tại G20?
Theo hãng tin AP, các nhà thương lượng Mỹ - Trung đang tìm cách để giải quyết bất đồng trước khi diễn ra cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại HN G20 vào ngày 28-29/6 tới. Dù không đưa ra chi tiết cụ thể, nhưng cả hai phía cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một số điểm đồng thuận trong cuộc điện đàm tuần trước.
Hãng Reuters tổng kết, hai nước đang ở khoảng giữa của quá trình căng thẳng thương mại và đang đe dọa sẽ tiến thêm các bước mạnh mẽ hơn lên hàng xuất khẩu của nhau. Trung Quốc quyết không thay đổi chính sách dưới sức ép của Mỹ. Còn Mỹ đang sẵn sàng cho việc tăng thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Mỹ cũng đang tạo rào cản lên việc làm ăn của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei.
Tới nay, Trung Quốc và Mỹ đã có 11 cuộc đàm phán thương mại nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Vì thế, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước được thị trường đặt nhiều kỳ vọng do tính chất và do thời gian. Các dự báo về cuộc gặp đã được các báo khai thác một cách triệt để.
Trong phiên giao dịch sáng 27/6, hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á đều tăng điểm, trong bối cảnh giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc sẽ diển ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20tại Nhật Bản vào cuối tuần này.
Giới đầu tư kỳ vọng, cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần tháo gỡ căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!