Nguyên nhân là do theo quy định mới, loại tàu này không được khai thác vùng khơi, được hiểu là vùng biển xa bờ. Việc thay đổi ngư trường từ vùng khơi vào vùng lộng (vùng biển gần bờ) đã khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Đã 2 tháng nay, con tàu mang số hiệu DNA 90502 với chiều dài 14,5m, công suất máy 420 CV của hộ gia đình ông Nguyễn Bi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng phải nằm bờ bởi theo quy định mới của Bộ NN&PTNT, tàu dưới 15m không được phép đánh bắt vùng khơi mà chỉ được đánh bắt vùng lộng.
Trước đây, tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi. Tuy nhiên, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 lại chuyển tiêu chí từ công suất sang chiều dài của tàu, theo đó tàu cá phải đảm bảo dài 15m trở lên mới được đánh bắt tại vùng khơi. Rõ ràng, khung thời gian 2 năm là quá ít để ngư dân có thể xoay xở.
Hiện thành phố Đà Nẵng có 523 tàu đánh bắt ở vùng khơi và 177 tàu có chiều dài dưới 15m phải đánh bắt vùng lộng và ven bờ. Những tàu này sẽ không được mua bán hay cải hoán để đạt chiều dài trên 15m. Nếu muốn đánh bắt ở vùng lộng theo đúng quy định, việc tìm kiếm bạn thuyền cũng không phải là điều dễ dàng.
Ngành Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho phép cả 700 tàu cá đang hoạt động của ngư dân thành phố Đà Nẵng được đánh bắt ở vùng khơi và tạo điều kiện cho phép 177 tàu cá có chiều dài dưới 15m được cải hoán thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên nhằm gỡ khó cho ngư dân trước tình trạng hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!