Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự quân đội Lào. (Ảnh: VOV)
Chuyến thăm không chỉ khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam với Lào và Campuchia mà còn tạo thêm xung lực mới cho mối quan hệ giữa Việt Nam với hai nước vừa là láng giềng vừa là hữu nghị truyền thống.
Những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết, sự đón tiếp nồng hậu, thân tình giữa những nhà lãnh đạo Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là minh chứng rõ nét về mối quan hệ giữa Việt Nam - Lào - Campuchia qua chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chuyến thăm đánh dấu sự tiếp nối mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa Việt Nam với hai người bạn láng giềng.
Lào là quốc gia đầu tiên Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm. Chủ tịch nước cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên tới thăm Lào kể từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân cách mạng Lào tổ chức thành công Đại hội Đảng và có ban lãnh đạo mới. Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Lào thể hiện sự trọng thị đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt với đất nước Lào anh em. Còn Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng đã thể hiện sự trọng thị đối chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cũng thể hiện sự coi trọng đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa Việt Nam và Lào.
Trong các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào, hai bên đều nhất trí cao sẽ tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, triển khai các cơ chế hợp tác song phương, nhất là nâng cao tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế. Đối với vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông.
Đồng thời nhất trí cùng các nước ASEAN thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như cùng với các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Trên nền tảng của sự tin cậy cao về chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhiều lần khẳng định với các lãnh đạo Lào về tầm quan trọng sống còn của mối quan hệ Việt-Lào. Mối quan hệ đã được xây dựng bằng công sức, xương máu của nhiều thế hệ và trở thành tài sản vô cùng quý giá của hai dân tộc, cần phải được đặc biệt giữ gìn, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith đến tận nơi ở để tiễn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, một cử chỉ đặc biệt trong ngoại giao, thể hiện rõ sự trọng thị đối với chuyến thăm của Chủ tịch nước, cũng như đối với mối quan hệ giữa hai nước. Trong vòng 5 ngày thăm Lào và Campuchia, chuyến thăm lần đầu tiên tới Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đạt được kết quả quan trọng, khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam sau đại hội Đảng lần thứ XII, tiếp tục coi Lào và Campuchia là đối tác quan trọng hàng đầu. Còn các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất mang tính truyền thống, là mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng bằng sự hy sinh xương máu của nhân dân ba nước.
Trong tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo Campuchia, hai bên đều khẳng định sự trân trọng đối với mối quan hệ truyền thống. Đặc biệt là từ trong quá khứ đau thương, với sự giúp đỡ vô tư và trí tình của Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979. Chính điều ấy đã góp phần kiến tạo nên mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia như ngày nay. Việc các nhà Lãnh đạo Campuchia khẳng định với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về việc Campuchia sẽ luôn ghi nhớ và luôn coi hy sinh xương máu của Việt Nam dành cho nhân dân Campuchia là công lao vô giá, đã cho thấy đây sẽ là sức mạnh để giúp cho quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển.
Chính vì vậy, Trong tuyên bố chung Việt Nam và Campuchia đã thể hiện sự nhất trí trong nhiều vấn đề. Trong đó, hai nước khẳng định quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, từ bỏ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước khác nhằm bảo đảm việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Không chỉ tạo thêm động lực cho mối quan hệ về chính trị giữa Việt Nam với Lào và Campuchia chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn tạo thêm xung lực mới trong quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước trong lúc các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn. Bởi trong cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Lào và Campchia, Chủ tịch nước đều đề nghị giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào đây. Đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị đưa kim nghạch thương mại với Lào sớm đạt 2 tỷ USD còn với Campuchia là 5 tỷ USD. Còn hiện tại, Việt Nam đang có 258 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD và 172 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,61 tỷ USD ở Campuchia. Việc kết nối hạ tầng giao thông, cũng như kết nối hai nền kinh tế với Việt Nam và kết nối kinh tế ba nước cũng được thảo luận và nhất trí.
Cũng trong chuyến thăm cấp Nhà nước Lào và Campuchia, Chủ tịch nước đã có các cuộc gặp với Cộng đồng người Việt tại đây. Nếu so với các nước khác, thì đây là các cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch nước lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng trong cuộc sống như địa vị pháp lý và cả những thiệt hại do vụ cháy chợ Đào Hương gần đây tại Lào.
Trân trọng quá khứ cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đồng thời coi đây là nền tảng cho sự phát triển của mối quan hệ quan trọng nhất giữa Việt Nam với Lào và với Campuchia trong hiện tại và tương lai, đã được khẳng định qua hoạt động đối ngoại đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chuyến thăm đã tạo thêm một xung lực mới cho mối quan hệ giữa Việt Nam với hai nước láng giềng, đồng thời khẳng định sự tiếp nối và đưa mối quan hệ ấy tiếp tục phát triển.