Sau Lễ bế mạc Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì họp báo thông tin về kết quả Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41.
Phát biểu về kết quả Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đại hội đồng đã thành công tốt đẹp. Đại hội đồng đã hoàn tất chương trình nghị sự và chương trình hoạt động diễn ra trong 3 ngày 8-10/9/2020.
Do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng".
Đại hội đồng AIPA 41 đã bế mạc vào ngày 10/8
Để có được thành công của Đại hội đồng, sự chuẩn bị công phu của Quốc hội nước chủ nhà và các nước thành viên, đặc biệt bộ phận kỹ thuật đường truyền của Việt Nam và tại tất cả các đầu cầu các nước đã hoàn thành xuất sắc để đảm bảo thông suốt toàn bộ hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc tổ chức họp theo hình thức trực tuyến có nhiều thay đổi lớn so với hình thức họp tập trung, đặc biệt thay đổi phương thức, cách làm được sự đồng thuận cao của Ban chấp hành thông qua thư điện tử (không tổ chức phiên họp trực tiếp các Chủ tịch Quốc hội theo thông lệ như các Đại hội đồng trước đây).
Mặc dù Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng thành phần tham dự lần này có 30 nghị viện thành viên và các tổ chức quốc tế trong đó có gần 400 đại biểu, trong đó có 230 đại biểu là đại biểu Quốc hội; đặc biệt 10 nước thành viên ASEAN có 11 Chủ tịch Quốc hội tham dự, trong đó Thái Lan cả Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện; có 14 Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự. (Việt Nam có 4 Phó Chủ tịch, Thái Lan Có 4 Phó Chủ tịch, Singapore có 2 Phó Chủ tịch, Philippines có 2 Phó Chủ tịch, Indonesia có 1 Phó Chủ tịch, Campuchia có 1 Phó Chủ tịch).
Lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Cùng với các nghị viện thành viên, có 11 nước quan sát viên đăng ký tham dự, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Belarus, Chủ tịch Hạ viện New Zealand,một số nước cử cấp chủ nhiệm Ủy ban, 3 Chủ tich Quốc hội khách mời 3 nước là Kazakhstan, Norway, Morocco. Đặc biệt lần này có sự tham dự của Cố vấn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký IPU, Tổng thư ký AIPA, Phó Tổng thư ký ASEAN, Ban thư ký AIPA, và 4 tổ chức là đối tác của AIPA.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng là rất phù hợp; nội dung trao đổi phong phú, sát với tình hình thực tiễn; đặc biệt là về các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch; tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Nhiều Đoàn nêu vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn ở Biển Đông cần dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 UNCLOS; Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); nhất trí thúc đẩy để sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các ý kiến đều nhất trí về các ưu tiên của AIPA cũng như ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến người dân, tập trung giải quyết các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với người dân trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đại hội đồng AIPA 41 đã thông qua 26 nghị quyết và thông cáo chung.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 cũng là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.
Đại hội đồng AIPA ủng hộ triển khai sáng kiến của ASEAN ứng phó với COVID-19
Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV về những cam kết, kế hoạch cụ thể của các Nghị viện thành viên trong việc hỗ trợ Chính phủ các nước phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA 41 cho biết, đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả đều khẳng định, vai trò của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc ủng hộ Chính phủ thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam chọn chủ đề cho Đại hội đồng AIPA 41 vào năm 2019, lúc đó chưa có đại dịch. Tuy nhiên, chủ đề của ASEAN và AIPA là gắn kết và chủ động thích ứng ngẫu nhiên lại thích hợp với tình hình thực tế.
Đại hội đồng AIPA lần này thể hiện sự ủng hộ rất cao trong việc triển khai sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động, phối hợp ứng phó, kịp thời kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là thành lập Quỹ phòng, chống dịch ASEAN, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trong đó có việc ban hành chính sách về giáo dục, việc làm, cải thiện hệ thống y tế công, giảm thiểu tác động của COVID-19 đến những ngành nghề chịu tác động mạnh nhất như giao thông, du lịch, bán lẻ… Các nghị viện thành viên cũng nhất trí thúc đẩy phát triển kinh tế số, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19.
Đại hội đồng đã đưa ra khuyến nghị cho các Nghị viện thành viên phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa hoạt động thương mại, xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; nghiên cứu khuôn khổ luật pháp mới để ứng phó với đại dịch COVID-19 và các đại dịch khác; phát huy việc thực hành kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo vì sự phát triển bền vững.
Tất cả ý kiến thảo luận đều hoan nghênh những nỗ lực từ phía các khuôn khổ hợp tác vùng, bao gồm khu vực Mê Công, thúc đẩy phát triển công bằng bền vững trong Cộng đồng ASEAN bằng cách gắn tăng trưởng tiểu vùng với sự phát triển toàn diện của cả khu vực ASEAN nhằm đạt được mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN. Đây là những cam kết nhằm hiện thực hóa chủ đề "Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!