Nội hàm của những khái niệm này được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển lẫn đột phá chiến lược. Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trên thực tế, tại Việt Nam, việc chuyển đổi số, hướng tới xây dựng kinh tế số đã có những kết quả bước đầu. Với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra sự bứt phá cho đất nước trong những thập niên tới, văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đề cập đến các chủ trương này với định hướng rõ nét và cụ thể.
"Công nghệ số" sẽ làm thay đổi từ phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đến đời sống văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với 1 trong 3 đột phá chiến lược là "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ", văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".
Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: "Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số". Đây là những mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải là bất khả thi.
Đổi mới luôn bắt đầu từ tư duy. Nắm bắt đúng xu thế của thế giới, phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng, qua đó Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 "trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao".
Điểm đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số là tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên, kể cả với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trên con đường phát triển cũng như hội nhập toàn diện với thế giới.
Chủ trương phát triển kinh tế số trong giai đoạn 2021 - 2030 được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII thực chất là một sự thay đổi về tư duy phát triển, phù hợp với nhiều nguồn lực, thế mạnh của Việt Nam.
Việc cần làm ngay lúc này là các Bộ, ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp cho đến người dân phải hành động để đưa chủ trương này vào cuộc sống. Nguyên nhân là do cuộc đua đến nền kinh tế số, xã hội số, đến thịnh vượng là cơ hội công bằng cho tất cả, dành cho những quốc gia đang quyết tâm vươn lên với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!