Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển kinh tế số

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/01/2019 19:16 GMT+7

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Hôm 15/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Sau đây là một số nội dung cơ bản trong Nghị quyết về những giải pháp nhằm phát huy các nguồn lực của nền kinh tế:

Nghị quyết Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm chỉ đạo Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay để khắc phục các tồn tại, yếu kém, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Nghị quyết Bộ chính trị nêu rõ: đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh kinh tế hóa nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đối từng nguồn lực để đạt được những mục tiêu dài hạn và cụ thể đã được nêu trong nghị quyết đối với nguồn nhân lực, cần thực hiện những giải pháp như sau:

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục - đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. khắc phục tâm lý và hiện tượng quá coi trọng và đề cao "Bằng cấp", "Chứng chỉ" một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, gắn với kết quả hoạt động công vụ và hiệu suất làm việc.

Đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và chế độ tiền lương đối với các đơn vị hành chính công dựa trên nguyên tắc thị trường, bảo đảm cán bộ, công chức đủ sống bằng lương và từng bước có tích lũy.

Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trường, cơ sở dạy nghề bảo đảm phù hợp yêu cầu phát triển và điều kiện từng vùng, miền trên cả nước.

Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả "nhân tài", tập trung thu hút "người tài từ nước ngoài".

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương; thực hiện trả lương đúng với giá trị sức lao động để tiền lương trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, động viên người lao động cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo.

Đối với nguồn vật lực, Nghị quyết của Bộ chính trị cũng nêu ra những giải pháp cụ thể như:

Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể hoá quan điểm kinh tế hoá tài nguyên khoáng sản.

Sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn.

Xây dựng chiến lược phát triển tổng hợp kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản và quản lý môi trường, tiến tới đấu thầu quyền khai thác mỏ, hoạt động khai thác và một số hoạt động phụ trợ khai thác mỏ.

Đẩy mạnh công tác thăm dò, đánh giá tiềm năng nước mặt và nước ngầm. Điều tra và lập cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia.

Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm gây tổn thất, lãng phí.

Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết chấm dứt đầu tư đối với các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi để tập trung đầu tư cho các công trình và dự án cấp bách khác.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng, nhất là người đứng đầu trong quy trình thực hiện dự án đầu tư.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, phân bổ nguồn vốn, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm và có chế tài mạnh đối với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu trong các quyết định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm quản lý thống nhất.

Đối với nguồn tài lực Nghị quyết của Bộ chính trị cũng nêu ra những giải pháp cụ thể như:

Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp; không ban hành các chính sách, chế độ, chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước.

Giảm các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực cho phát triển. Kiểm soát và quản lý nợ công trong giới hạn cho phép, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, kiểm soát chặt chẽ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng dự trữ quốc gia và các nguồn lực tài chính khác như: Kiều hối, Quỹ bảo hiểm xã hội và các quỹ ngoài ngân sách nhà nước khác. Có giải pháp phù hợp khuyến khích huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân cư. Phát triển mạnh mẽ công nghệ tài chính và kinh tế số.

Triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Hoàn thiện thể chế phát triển thị trường chứng khoán; xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn.

Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hướng tới xây dựng Bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

Đổi mới cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích, hỗ trợ thực hiện xã hội hoá đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước