Tồn tại những lỗ hổng, kẽ hở bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực
Thời gian vừa qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật bởi những sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, đấu thầu, tài chính. Trong đó không ít người đã bị xử lý hình sự bởi lợi dụng các bất cập, kẽ hở trong công tác quản lý và hệ thống pháp luật để tư lợi.
Để cán bộ không thể tham nhũng tiêu cực thì phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường minh bạch trong chính sách và giám sát của người dân. Đây là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Mỗi năm, có trên 8 triệu lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập nhưng số vụ vi phạm kê khai tài sản chỉ đếm trên đầu ngón tay,.Việc kê khai tài sản của cán bộ còn rất hình thức, không thực chất.
Theo các chuyên gia, muốn phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, cần nâng cao tính công khai, minh bạch đối với tài sản của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò giám sát của người dân một cách thực chất.
Trên đây là một vài trong số 31 dự án nhà và đất công sản có giá trị rất lớn mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã bán cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) và những công ty của đối tượng này cách đây hơn chục năm.
Sau khi điều tra cơ quan chức năng đã kết luận, dù không thuộc đối tượng được mua chỉ định nhà công sản và nhận chuyển giao đất không qua đấu giá nhưng Vũ Nhôm đã lợi dụng văn bản pháp lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng lúc đó để thỏa thuận thông đồng với các bị cáo là cựu lãnh đạo, doanh nghiệp được mua nhà chỉ định để thay đổi quyền sử dụng đất sang cho người thân, cá nhân và công ty của Vũ, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Vụ việc trên chỉ là một ví dụ. Đã có hàng loạt những dự án sai phạm thời gian qua liên quan đến lĩnh vực đất đai với nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Thực tế đã chỉ rõ, có một số cán bộ doanh nghiệp đã lợi dụng các bất cập, kẽ hở trong công tác quản lý và hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai để tư lợi.
Không chỉ có đất đai, đã có không ít lĩnh vực nổi cộm còn tồn tại những lỗ hổng, kẽ hở, bất cập của hệ thống pháp luật liên quan như trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, thuế vụ, hải quan, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mới đây là thị trường chứng khoán.
Những lỗ hổng pháp lý này đã bị các cán bộ thoái hóa câu kết với các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng
Những vụ việc trên cho thấy, khi những hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện thì trách nhiệm giải trình trước các vụ việc nổi cộm gắn với việc thực thi minh bạch trong hoạt động công vụ chưa được đảm bảo. Khi việc giám sát của nhân dân vẫn còn hạn chế thì tham nhũng, tiêu cực sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, cùng với tăng cường phát hiện, xử lý hiệu quả để không dám tham nhũng, cần thiết lập một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng và cơ chế đảm bảo đãi ngộ hợp lý để không cần, không muốn tham nhũng.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng, tiêu cực.
"Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với các cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của nhóm lợi ích, sân sau, tư duy nhiệm kỳ. Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Xây dựng chính sách, luật pháp cũng phải trong sạch, lành mạnh" – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư nêu rõ, cần khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng tình với đánh giá cao quan điểm trên, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự kỳ vọng lớn vào bước chuyển mạnh mẽ của công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới. Nhất là việc phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng một cách đồng bộ, hiệu quả trong thực tế, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường minh bạch trong chính sách và giám sát của người dân.
Định hướng và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể đã có. Để những chỉ đạo này sớm trở thành hiện thực, để cán bộ không thể tham nhũng, từ đó tạo bước chuyển căn bản trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, rất cần các cán bộ, các cấp, các ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!