"Mua sắm thuốc, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ tiêu cực"

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 05/04/2023 17:57 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ sai sót và dẫn đến tiêu cực

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát các nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, tránh tâm lý sợ sai không dám đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế.

Luật hóa, giải quyết các khó khăn về mua thuốc, trang thiết bị y tế

Vấn đề mua sắm thuốc, vật tư y tế đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 5/4.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều.

Mua sắm thuốc, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ tiêu cực - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trình bày báo cáo

Trong đó, về mua thuốc, vật tư y tế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.

Theo đó, Điều 23 về Chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với "Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân";

Điều 28 về Hình thức "đàm phán giá" được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác";

Chương V (từ điều 54 đến điều 57) quy định về "mua sắm tập trung, mua thuốc"… Trong đó, Điều 56 đã quy định bao quát các trường hợp mua hóa chất, trang thiết bị y tế, trong đó quy định rõ về thời hạn đấu thầu hóa chất đi kèm sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay là 05 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực (tại điểm a, khoản 1 Điều 56). Quy định việc lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ y tế để đảm bảo tính hiệu quả, công khai, minh bạch (điểm b, khoản 1 Điều 56).

Đề nghị đấu thầu tập trung thuốc, vật tư hiếm

Liên quan quy định đấu thầu tập trung mua thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, tại khoản 1, Điều 53 quy định: đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện đối với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm.

Bác sĩ Nguyễn Anh Trí cho rằng cần có quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, qua đó giảm quá tải các bệnh viện, bởi các bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng vì không có thuốc nên phải lên tuyến trên điều trị; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, đấu thầu mua sắm thuốc hiếm nên được thực hiện ở một đơn vị thuộc cấp Bộ Y tế để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, đây là điểm vướng của nhiều bệnh viện, trong đó chính ông cũng đã từng trao đổi với các lãnh đạo Bộ Y tế về vấn đề này.

"Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ sai sót và dẫn đến tiêu cực. Vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi" - bác sĩ Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Trí đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.

Thiếu thuốc có nguyên nhân từ sợ sai, không dám đấu thầu

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đánh giá cao dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này được tiếp thu tương đối hoàn thiện, công khai, minh bạch, rõ ràng của các đối tượng đấu thầu.

Mua sắm thuốc, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ tiêu cực - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, gần trung tâm, gần cảng biển, gần sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền. Theo đại biểu Nguyễn Tạo cũng cần vận dụng linh hoạt tương tự như trong trường hợp sửa đổi Điều 130 của Luật Xây dựng.

Cần có cơ chế đàm phán mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương) cho rằng, những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế trong dự thảo Luật đã có những cơ chế, chính sách, những quy định tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, các cơ sở khám, chữa bệnh, cứu người bệnh trong việc sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh…

Mua sắm thuốc, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ tiêu cực - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương)

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá không chỉ với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất mà còn cả đối với cả thiết bị và vật tư y tế.

Theo ĐBQH đoàn Bình Dương, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường nó chỉ có 1 - 2 hãng sản xuất bán tại Việt Nam.

Tương tự như vậy, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng máy móc hạn chế... Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền thường là sản phẩm có tính phát minh.

Đại biểu cho rằng, cần phải có cơ chế để đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước