Nhà báo Takano Isao - Nhân chứng quả cảm trong Chiến tranh biên giới 1979

Ngọc Hà, Đức Cường (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 17/02/2021 21:42 GMT+7

VTV.vn - Nhà báo Nhật Bản Takano Isao là người đã bất chấp hiểm nguy để thông tin về những gì đang diễn ra ở biên giới Việt Nam thời điểm năm 1979.

Cách đây đúng 42 năm, ngày 17/2/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu. Thời gian đó, nhiều phóng viên nước ngoài đã có mặt ở chiến trường để nói lên tiếng nói khách quan về sự kiện này.

Bức ảnh về những người lính trẻ Việt Nam; một con phố tan hoang, đổ nát và trang cuối cuốn sổ có ghi dòng chữ "Lạng Sơn, ngày 7, Takano… - Những bức ảnh và dòng ghi chép cuối cùng trong chuyến công tác định mệnh của nhà báo người Nhật Takano Isao, thuộc tờ Akahata.

Nhà báo Takano Isao - Nhân chứng quả cảm trong Chiến tranh biên giới 1979 - Ảnh 1.

Ông Nông Văn Đuổng, một quân nhân có nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ cho đoàn nhà báo vào trung tâm thành phố, thời đó vẫn gọi là thị xã Lạng Sơn. Thời gian gặp gỡ với nhà báo Nhật Bản không nhiều nhưng ông Đuổng ấn tượng về Takano là người nói tiếng Việt thành thạo và xả thân khi lao vào điểm nóng. Ông kể lại: "Ông Takano chụp ảnh ở trong nhà này. Xe bị bắn kinh quá. Tôi nấp vào trong. Ông ấy dùng cái máy đưa lên chụp tôi thì bị bắn vào trán".

GS. Goro Nakamura - nguyên phóng viên chiến trường chia sẻ: "Sau khi có tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, chúng tôi đến Lạng Sơn vì nghĩ là khu vực này đã trở nên an toàn. Đang đi trên con đường núi thì những người lính Việt Nam hét lên rằng "Nguy hiểm, cần phải rời khỏi khu vực này ngay". Xe ô tô chở Takano vượt lên trước, bảo rằng tình hình nguy hiểm nên họ sẽ đi đầu. Đúng lúc đó, chúng tôi bị nổ súng như vãi đạn vào cả 2 xe. Takano bị trúng đạn. Những người Việt Nam kéo tôi ra khỏi xe và nấp sau một cái cây to ven đường cho đến khi họ ngừng bắn vì nghĩ rằng chúng tôi đã chết".

Nhà báo Takano Isao - Nhân chứng quả cảm trong Chiến tranh biên giới 1979 - Ảnh 2.

Ngày 5/3/1979, cả thế giới tập trung vào những động thái cụ thể sau tuyên bố rút quân khỏi biên giới Việt Nam. Takano là một trong những người vào thị xã Lạng Sơn sớm nhất để xác thực thông tin. Bài viết trước lúc hi sinh sau đó được đồng nghiệp nhờ phóng viên báo Quân đội nhân dân gửi về Hà Nội và chuyển sang Nhật Bản.

Theo nhà báo Dương Xuân Nam - Phóng viên Báo Tiền phong thường trú tại Lạng Sơn (năm 1979), đó là trách nhiệm và lương tâm của người làm báo chân chính. Sau này, nhà thơ Huy Cận có làm bài thơ "Tay cầm máy ảnh còn ghi nắng chiều" về Takano trên báo Nhân dân. Thực ra, buổi chiều hôm ấy nắng rực lên, buổi sáng có sương mù nhưng mà ông ấy không phải ghi nắng chiều mà ghi lại hình ảnh lịch sử, sự thật lịch sử.

"Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm. Đẹp thay tuổi xuân Takano…" - bài hát "Takano - Nhân chứng quả cảm" được cố nhạc sĩ Phó Đức Phương viết năm 1979, vinh danh tinh thần quả cảm của một nhà báo chân chính, chấp nhận hi sinh để thế giới hiểu đúng về sự thật lịch sử trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của người dân Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước