Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch hội đồng nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng là cơ sở pháp lý để các thành viên cùng nhau giải quyết những vấn đề liên ngành, địa phương và vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hội đồng vùng phải là cơ chế hiệu quả để các địa phương, bộ, ngành trao đổi, chia sẻ thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chính sách - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng cũng cho biết, một trong những công việc đầu tiên của hội đồng là xây dựng quy hoạch vùng, tái cấu trúc không gian phát triển trên cơ sở xác định lợi thế của cả vùng cũng như giá trị khác biệt của từng địa phương. Điều này sẽ giúp các địa phương trong vùng khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, gây lãng phí, thậm chí gây xung đột trong phát triển.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện tư duy, góc nhìn tổng thể, chiến lược đối với sự phát triển của vùng, quốc gia.
Trao đổi về kế hoạch hành động của Hội đồng, từ các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng cho rằng cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng, phát huy tiềm năng, không để xảy ra cạnh tranh, triệt tiêu lợi thế của từng địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ngoài các phiên họp định kỳ, Hội đồng cần có những hình thức kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên, thậm chí hằng ngày, giữa các địa phương, thành viên - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Cho ý kiến về định hướng quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xác định lợi thế, phát huy thế mạnh các địa phương, xem xét hình thành một số tiểu vùng dựa trên địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thách thức, khả năng tối ưu hoá kết nối giữa các tỉnh để liên thông, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát huy lợi thế, sản phẩm chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cả vùng.
Quy hoạch vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình hạ tầng giao thông, trung tâm năng lượng tái tạo để hình thành các khu công nghiệp, đô thị; điều tiết hiệu quả các nguồn lực đầu tư để bảo đảm mục tiêu, chất lượng tăng trưởng của các địa phương và toàn vùng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tích hợp vào quy hoạch vùng các nội dung về giáo dục, đào tạo nghề, y tế, năng lượng, nghiên cứu và triển khai… theo hướng hình thành các trung tâm cấp vùng, quốc gia; quy hoạch các trung tâm phát triển năng lượng, nuôi trồng thuỷ sản xa bờ, hậu cần nghề cả, điện gió… tại các tiểu vùng có lợi thế.
"Quy hoạch cần đưa ra danh mục các dự án đầu tư với sự thống nhất của các địa phương, chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai khi có nguồn ngân sách", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "Quy hoạch vùng là công cụ điều phối quan trọng, vì vậy, Hội đồng, các địa phương phải tích cực đóng góp trực tiếp, tâm huyết, trí tuệ vào quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng".
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin vùng và ứng dụng kết nối để các thành viên Hội đồng, bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên, hàng ngày, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
"Những chính sách mà quá nửa địa phương trong vùng gặp khó khăn khi thực hiện thì Hội đồng phải xem xét, họp trực tiếp với các bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính để chuẩn bị cho các dự án ưu tiên, trọng điểm trong quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của vùng.
Hội đồng, các địa phương cũng cần chủ động tham gia đóng góp cho nội dung, chính sách mới trong dự thảo các đạo luật có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển, kinh tế - xã hội của vùng như đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!