Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ tư, ngày 31/08/2022 06:27 GMT+7

Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

VTV.vn - Tối 30/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Diễn văn kỷ niệm do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An cho biết, hơn 300 năm trước, vùng đất Bình Thuận được hình thành khi các Chúa Nguyễn mở mang, khai phá bờ cõi về phía nam. Năm 1693, trên vùng đất này hình thành trấn Thuận Thành, đến năm 1698, Chúa Nguyễn đổi tên thành dinh Bình Thuận và sau đó thành phủ Bình Thuận. Năm 1832, Bình Thuận trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh với hai phủ Hàm Thuận và Ninh Thuận.

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1.

Thủ tướng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 2 cuộc kháng chiến, dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng những người con vùng đất cực Nam Trung Bộ luôn đoàn kết, quật khởi, thủy chung, son sắt, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, nhiều người đã anh dũng ngã xuống, lập nên biết bao chiến công, góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Một thời gian ngắn sau ngày thống nhất đất nước, trước yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương giải thể khu, hợp nhất tỉnh. Ở khu 6, tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận - Lâm Đồng - Tuyên Đức sáp nhập thành tỉnh Thuận Lâm; tỉnh Bình Tuy sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 20/12/1975, các tỉnh Bình Thuận - Bình Tuy - Ninh Thuận sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. 17 năm sau đó, để phù hợp trong công tác quản lý và điều kiện phát triển của từng địa bàn, tại kỳ họp thứ 10, ngày 26/12/1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa 8) đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận.

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An đọc diễn văn kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau 30 năm tái lập tỉnh, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ. Tỉnh đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng.

Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục rất thiếu thốn; với hỗ trợ của Trung ương và sự quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đến nay Bình Thuận đã có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả; là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có sự thay đổi đáng kể, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ một tỉnh vốn rất khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra, nắng hạn kéo dài, tỷ lệ hộ nghèo đói năm 1992 chiếm hơn 32,4%, nhưng đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15% (năm 2021), đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng được chăm lo ngày càng tốt hơn; một bộ phận nhân dân trước kia khó khăn nay đã vươn lên khá giả, làm giàu.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chăm lo; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; các phong trào thi đua yêu nước triển khai mạnh mẽ; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và phát huy; lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường.

Đại biểu cán bộ hưu trí và thế hệ trẻ của tỉnh Bình Thuận phát biểu bày tỏ vui mừng, niềm tự hào trước những thành tựu to lớn mà tỉnh Bình Thuận nói riêng và đất nước nói chung; tỏ rõ tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận; đồng thời quyết tâm tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, vận động nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Thuận là vùng đất tự hào về thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Nói đến Bình Thuận là nhớ đến vùng đất "biển xanh, cát trắng, nắng vàng"... Điều đặc biệt hơn, nhớ đến Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học, nhớ đến những người con của Bình Thuận kiên trung một lòng theo Đảng, theo cách mạng...

"Đó là biểu tượng của truyền thống yêu nước được đúc kết trong 12 chữ vàng mà Trung ương trao tặng cho Bình Thuận: "Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến khát vọng, ý chí vươn lên, tinh thần đoàn kết, vượt khó, quyết tâm đổi mới, phát huy nguồn lực để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân của vùng đất kiên cường này.

Thủ tướng chỉ rõ, với những tiềm năng, lợi thế và những nét độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương; những thành tựu 30 năm qua đã tạo nên vị thế và tiềm lực mới cho Bình Thuận.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, đã cố gắng rồi, phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận - Ảnh 4.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Thuận khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bình Thuận cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xác đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thủ tướng lưu ý, tỉnh phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển đối số, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị Bình Thuận quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm của đất nước. Quyết tâm phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định, chú ý cơ cấu lại từng thành phần kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế.

Thủ tướng gợi mở, tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế xanh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực; khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời hợp lý, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia.

Bình Thuận phải từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương; chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp", nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương; phát triển mạnh kinh tế biển; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, không gian biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Thuận khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, xác định rõ cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh cùng các giải pháp thực hiện phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương để phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, phát huy hiệu quả hơn vị trí địa lý thuận lợi do sát vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công-tư, đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội; quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, logistics, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Trước mắt, Bình Thuận thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, trong đó đẩy mạnh tiêm vaccine, đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; kiên quyết không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, manh mún, chậm tiến độ, dồn nguồn lực tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong quá trình phát triển, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chú ý bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, tuyệt đối không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn, văn minh và hiện đại.

Bên cạnh đó, Bình Thuận phải đảm bảo ổn định chính trị; tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, ngay từ cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn sâu sát, đồng hành cùng tỉnh Bình Thuận; đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Bình Thuận hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng tin tưởng, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những thành tựu to lớn đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh; với khát vọng và quyết tâm lớn; với bản lĩnh và nghị lực; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước