Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 15/07/2016 19:12 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEM cần xác định kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM.

Sáng 15/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 30 Nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước châu Âu, 20 nước châu Á đã tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Thủ đô Ulanbarto, Mông Cổ, để thảo luận về các thách thức đối với an ninh và kinh tế của hai châu lục. Tham dự hội nghị còn có Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angel Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao ASEM - sự kiện được tổ chức 2 năm một lần để bàn về các vấn đề chiến lược của ASEM và phê chuẩn các chương trình hợp tác. Hội nghị năm nay đánh dấu 20 năm thành lập Diễn đàn ASEM. Để ghi nhận dấu mốc quan trọng này, nước chủ nhà Mông Cổ đã chọn chủ đề của Hội nghị là "20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối".

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước những cơ hội và thách thức mới trong cục diện thế giới, ASEM cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu về đối thoại và hợp tác trong thế kỷ 21. Theo đó, Thủ tướng đề nghị ASEM cần xác định kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM. Để làm được việc này, cần chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính, phát triển công nghệ thông tin, nguồn nhân lực; cũng như tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác khu vực và tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong - Danube, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển và thúc đẩy giao lưu nhân dân của Quỹ Á - Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là hỗ trợ nỗ lực giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó các thách thức toàn cầu. Đây chính là những giải pháp then chốt tạo xung lực mới cho các mối quan hệ đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả, trên mọi tầng nấc. Thủ tướng cũng cho rằng hợp tác theo "phương cách ASEM" cần chú trọng yếu tố hiệu quả, thiết thực. ASEM cần có chương trình, dự án cụ thể triển khai hoạt động của các Nhóm hợp tác chuyên ngành về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ứng phó thiên tai và quản lý bền vững nguồn nước. Đồng thời cần chú trọng tăng cường đóng góp của thanh niên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp vào hợp tác ASEM để giúp khởi xướng và triển khai các ý tưởng mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á - Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 11 về "Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững" năm 2017.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo ASEM khẳng định, sau 2 thập kỷ, ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, thúc đẩy hợp tác, liên kết đa tầng nấc. ASEM sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng định hình cục diện quốc tế thế kỷ 21 nhưng ASEM đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới, nâng tầm hợp tác nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình.

Tại Phiên toàn thể thứ hai về "Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM vì kết nối rộng lớn hơn", các nhà lãnh đạo nhất trí kết nối hợp tác ASEM trong thời gian tới trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, đồng thời nhất trí thành lập Nhóm tiên phong về kết nối trong 2 năm. Hội nghị nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, liên kết Á - Âu, thúc đẩy Vòng đàm phán Doha, tổ chức Cuộc họp các quan chức cao cấp về thương mại và đầu tư để bàn về việc cần nối lại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM đã bị gián đoạn 13 năm qua. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các chương trình hợp tác tiểu vùng và khu vực, đặc biệt là Mekong - Danube nhằm giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới tăng trưởng bền vững, đồng đều.

ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996. Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập của ASEM. Kể Từ năm 1996, ASEM đã đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam bởi đây cũng là thời điểm Việt Nam vừa ra nhập ASEAN và bắt đầu đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ với các nước phương Tây. Sau 20 năm, hiện 85% số dự án và 90% số vốn đầu tư nước ngoài ở Viêt Nam là đến từ các quốc gia, đối tác thuộc ASEM và 14 trong 16 Hiệp định thương tự do mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán có quan hệ với các đối tác của ASEM.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước