Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Mục tiêu đề ra đến năm 2030 sẽ giảm một nửa thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế không vượt quá 1,2% GDP.
Chiến lược của Chính phủ đặt ra là từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng. Cụ thể, đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán... Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại…
Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng, chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững…
Đối với các đô thị lớn, cần tập trung phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường; trên biển và hải đảo, chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!